Măng tây xanh phát triển mạnh tại những vùng có khí hậu mát mẻ. Nguồn gốc của cây măng tây bắt nguồn từ các nước châu Âu như Anh, Đức, Tây Ban Nha…và du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm trước. Ngày nay, mô hình trồng măng tây đã có mặt trên khắp cả nước nhờ một số phương pháp nhân giống cơ bản, dễ áp dụng. Để hiểu rõ hơn về quy trình nhân giống măng tây, bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu trong số tuần này nhé.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số phương pháp nhân giống măng tây đơn giản hiệu quả
Mùa thu là mùa cây măng tây sinh trưởng mạnh nhất, chính vì vậy bà con có thể áp dụng phương pháp tách mầm để trồng cây mới vào thời kì này. Bà con có thể tách mầm măng tây bằng cách bứng cả khóm rồi tách thành nhiều cây đem trồng chỗ khác hoặc chỉ tách một phần khóm. Phần còn lại tiếp tục chăm sóc để lấy măng thương phẩm.
Bên cạnh tách mầm, gieo hạt cũng là một trong số những phương pháp nhân giống măng tây được bà con ưu tiên áp dụng trong quá trình sản xuất. Để thực hiện quá trình gieo hạt, khi hạt măng tây lấy từ quả đã chín đỏ, trước khi ủ hạt nên phơi nắng khoảng 2 tiếng để hạt khô và tăng khả năng hút ẩm.
Sau đó, rửa lại hạt bằng nước lạnh chà xát nhiều lần loại bỏ tạp chất, loại trừ những hạt nhỏ, hạt lép. Bà con ủ hạt trong khăn vải khoảng 3-4 ngày với độ ẩm khoảng 30-50%, không để ướt quá dư ẩm làm thối hạt giống và cũng không khô quá để thiếu ẩm làm ảnh hưởng tỉ lệ nảy mầm. Đồng thời thường xuyên kiểm tra tốc độ phát triển của hạt giống và chuẩn bị bầu đất đã xử lý để gieo trồng các hạt đã nảy mầm.
Ngoài ra, ngày nay phương pháp trồng măng tây bằng rễ đang được ngày một nhân rộng vì quy trình trồng đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian và cả chi phí đầu tư.
Để đảm bảo thực hiện thành công phương pháp này, bà con cần sử dụng cây măng có bộ rễ ít nhất trên 2 năm tuổi để đảm bảo độ khỏe và khả năng sinh sống sau khi gieo trồng. Một nhánh măng tây phải đảm bảo có từ 15 – 20 rễ phụ và dài từ 15 – 20cm. Rễ cây khỏe mạnh, không bị nhiễm nấm bệnh hoặc mốc. Thời vụ thích hợp nhất là trong khoảng tháng 2 – 3 hoặc tháng 9 – 11 lúc này môi trường có nhiệt độ vừa phải, không vào mùa mưa. Sau khi xử lý đất trồng và tạo luống rãnh trồng măng tây bà con có thể lựa chọn thời điểm chiều mát để trồng rễ măng tây.
Bước 1: Ngâm bộ rễ măng tây vào nước khoảng vài tiếng để rễ măng ngậm đủ nước, không bị khô héo khi trồng.
Bước 2: Tạo các mô đất để trồng rễ măng tây bằng cách đào giữa các luống sâu 20cm. Sau đó cách 50 – 60cm vun một mô đất tròn cao chừng 10 – 15cm để áp bộ rễ măng tây lên trên.
Bước 3: Khi rễ măng tây đã ngậm đủ nước bạn bắt đầu tác từng rễ cây ra và áp sang 2 bên hoặc theo vòng chụp như chiếc nón lên mô đất sao cho cụm nhánh ở chính giữa và lấp đất lên.
Lưu ý: Đất lấp không quá dày và không được lèn chặt đất khiến măng tây chậm phát triển, đảm bảo luống măng tây sau khi vun trồng có chiều cao từ 10 – 20cm so với rãnh thoát nước. Quá trình tách và xếp rễ làm khéo léo theo đúng chiều của bộ rễ và không làm đứt gãy rễ nhánh.
Bước 4: Sau khi lấp đất tiến hành tưới ẩm cho măng tây bằng công nghệ phun sương để mặt đất có độ ẩm mà lại không quá sũng hay đọng nước.
Sau khi bộ rễ bắt đầu lên cây cao khoảng 20 – 30cm bạn có thể bắt đầu vun thêm đất vào gốc măng để đảm bảo độ cao cho luống và giữ măng được tốt hơn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng cây măng tây.
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com