Trong đơn gửi tới Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Hùng Mạnh, đại diện cho khu tập thể 4B Lý Nam Đế (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) cho hay, nhà số 6 và Khu tập thể 4B Lý Nam Đế từ trước đến nay là hai khu đất riêng biệt, ranh giới được ngăn cách bằng bức tường lịch sử để lại.
Nhà bà Hồ Thị Xuân Mùi ở 6 Lý Nam Đế trước năm 2002 nằm trong khuôn viên trên 300 m2 độc lập khép kín, duy nhất mở một cửa ra đường Lý Nam Đế. Năm 2002, bà Mùi chia mảnh đất ở 6 Lý Nam Đế thành 4 phần và xây thành các căn hộ riêng, 2 căn hộ ở ngoài mặt phố Lý Nam Đế, 2 căn hộ ở phía sau.
Bà Mùi để một dải đất làm lối đi chung chạy dài từ nhà 6C, 6B, 6A ra đường Lý Nam Đế. Lối đi này rộng khoảng 1,5 m2 là lối đi chung cho các gia đình phía trong đi ra đường Lý Nam Đế.
Tuy nhiên, năm 2016, khi Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các căn hộ 6A, 6B, 6C đã không xem xét thực tế dẫn đến việc không thể hiện lối đi chung trên bản vẽ và bản đồ địa chính của khu vực này.
"Trước đó, lối đi chung đi ra phố Lý Nam Đế của 2 nhà 6B, 6C vốn đã tồn tại trên thực tế. Ngoài ra, ngõ 4B thể hiện trong bản hồ sơ đồ thửa đất nhà ông Vinh mua lại gọi là "đường nội bộ" là không đúng thực tế vì khi ông Vinh mua xong 2 căn nhà phía sau (nhà 6B, 6C) thì chủ nhà số 6A đã xây bịt lối đi chung ra phố Lý Nam Đế, lối đi này vốn tồn tại từ năm 2002", ông Hùng Mạnh nêu trong đơn.
Ông Phan Sỹ Thao, người dân ở khu tập thể 4B Lý Nam Đế cho biết, khu tập thể có rất đông dân cư, chính vì vậy mật độ phương tiện qua lại con ngõ này cũng khá đông. Thêm nữa, hằng ngày, bà con vẫn cho trẻ nhỏ ra con ngõ này chơi, vui đùa.
"Nếu như họ mở lối ra đường 4B Lý Nam Đế sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an toàn cho bà con, trẻ nhỏ và vấn đề an ninh, trật tự. Cũng chính vì vậy, chúng tôi không đồng ý với kiến nghị của nhà số 6", ông Thao nói.
Phân tích về việc mở lối đi đối với bất động sản bị bao bọc, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty luật hợp danh JDC Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, trước khi mua nhà, người dân đã phải tìm hiểu lối đi vào nhà mua, hoặc lối đi chung.
Nếu như không có lối đi, không ai bỏ tiền ra mua nhà. Do vậy, trước khi vào tìm hiểu mua nhà 6B, 6C, ông Vĩnh cũng đã phải tìm hiểu xem có đường vào nhà và có đường đi ông Vinh mới mua ngôi nhà.
Trên thực tế, nhà số 6B, 6C có lối đi nhỏ 1,5m. Sau đó, họ bịt lại lối đi này. Thêm nữa, trong sơ đồ của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của họ có thể hiện đường nội bộ.
"Ở đây chúng ta có thể hiểu rằng, đường nội bộ ở đây là đường của bà con khu tập thể ngõ 4B Lý Nam Đế, chứ không phải là đường nội bộ của toàn bộ xã hội, cư dân quanh đó. Đường nội bộ nhà ông Vinh là đường của nhà số 6 (đường 1,5m) sau khi tác thửa đất đó. Đấy là đường nội bộ của họ chứ không có liên quan gì đến ngõ 4B Lý Nam Đế. Ở đây người ta đang nhầm lẫn về khái niệm đường nội bộ", luật sư sư Thắng phân tích.
Theo ông Thắng, điều 254 của Bộ Luật Dân sự quy định, khi người dân không có lối đi thì mới đòi quyền về lối đi. Như vậy, khi chia tách thửa đất ngôi nhà số 6, nhà số 6B,6C đã đòi quyền này và có lối đi rồi.
Còn trường hợp, hộ ông Vinh đang có lối đi rồi mà họ bị bịt lối đi của ông vào thì bản thân họ phải kiện chính người bịt lối đi, chứ không phải là kiện những người xung quanh.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Vinh (chủ nhân ngôi nhà 6B,6C) cho biết, trước thời điểm ông mua căn nhà số 6B, 6C đã tìm hiểu và thấy rằng có một lối đi chung chạy từ nhà 6A qua.
Trước đây, nhà số 6A và nhà số 6B, 6C có mối quan hệ gia đình nên chủ nhà số 6A cho đi qua. Còn nhà 6B, 6C họ định cư ở Ba Lan, không ở nên cho thuê. Nhà 6A thu tiền điện, nước và có cổng ở bên hông để đi qua lại.
"Đến khi tôi mua xong mảnh đất thì người ta (chủ nhà 6A) nói rằng họ có quan hệ gia đình nên cho nhà 6B, 6C đi qua. Còn bây giờ anh mua thì anh phải tự mở cổng ra ngõ số 4B Lý Nam Đế.
Thêm nữa, tôi cũng có hỏi Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội nhà 6B, 6C có 3 mặt tiếp giáp, một mặt tiếp giáp với mặt 6A, một mặt tiếp giáp với báo Quân đội Nhân dân, một mặt tiếp giáp với đường đi ngõ 4B Lý Nam Đế.
Mặt tiếp giáp với ngõ 4B Lý Nam Đế là đất công cộng, đất chung không của ai cả, tôi mở cửa ra đó. Cũng vì thế mà tôi quyết định mua mảnh đất này và sau đó tôi cũng có đề nghị nhà số 6A cho tôi đi nhờ trong lúc tôi chờ làm thủ tục mở cửa ra ngõ 4B Lý Nam Đế nhưng họ không đồng ý cho đi qua", ông Vinh thông tin.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đào Quang Năm, Phó Chủ tịch phường Hàng Mã cho hay, phiên tòa sơ thẩm vừa qua, ông là người tham dự phiên tòa với cương vị là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa, ông cũng đã hỏi Tòa án rằng, phía Tòa đã xác minh đường ngõ 4B Lý Nam Đế là đường nội bộ của khu tập thể 4B Lý Nam Đế hay là đường nội bộ của cả khu dân cư quanh đó, nhưng sau đó tòa chưa trả lời!
Theo ông Năm, năm 2016, đã xảy ra sự việc ông Vinh phá tường rào để mở lối đi ra ngõ 4B Lý Nam Đế. Tuy nhiên, sau đó chính quyền phường đã lập biên bản vì chưa có giấy phép xây dựng. Sau đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu ông Vinh khắc phục, xây bịt lại.
Về nguồn gốc ngõ 4B Lý Nam Đế, con ngõ này và bức tường cũng đã có rất lâu rồi. Trước kia là phía Bộ Quốc phòng quản lý. Đến năm 2010, Bộ Quốc phòng ban giao cho quận Hoàn Kiếm quản lý.
"Sổ bìa đỏ của hộ nhà số 6 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, vì vậy, các bạn liên hệ với đơn vị này để làm rõ xem đó là đường nội bộ của Khu tập thể 4B Lý Nam Đế hay là đường nội bộ của cả khu dân quanh đó. Cơ quan cấp sổ đỏ họ mới xác định và giải thích được nội dung này", ông Năm đề nghị.
Ghi nhận của phóng viên, ngõ 4B Lý Nam Đế rộng hơn 3m, chạy thẳng từ phố Lý Nam Đế vào khu tập thể 4B Lý Nam Đế. Ngăn cách con ngõ với nhà số 6 Lý Nam Đế là một bức tường cao gần 3m. Vào giờ cao điểm, có rất nhiều người dân lưu thông qua con ngõ này.
Ngày 24/5/2023, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, ở phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội là người khởi kiện Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm. 38 hộ dân ở khu tập thể 4B Lý Nam Đế là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tòa sơ thẩm tuyên buộc Phòng Quản lý đô thị - UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép xây dựng cho ông Vinh đập bỏ bức tường để mở lối đi sang ngõ 4B Lý Nam Đế.
Tuy nhiên, mới đây, ông Nguyễn Hùng Mạnh, đại diện cho khu tập thể 4B Lý Nam Đế đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm ngày 24/5/2023 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án theo trình tự phúc thẩm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong đơn kháng cáo, ông Mạnh cho hay, bản án đánh giá chứng cứ chưa chưa khách quan, không toàn diện dẫn tới việc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của 38 hộ dân ở khu tập thể.
Thêm nữa, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các căn hộ 6A, 6B, 6C đã không xem xét thực tế dẫn đến việc không thể hiện lối đi chung trên bản vẽ và bản đồ địa chính của khu vực này.
Ngoài ra, Tòa không mời Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội tham gia tố tụng để làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Quang Vinh là chưa thực sự khách quan.
Theo đơn kháng cáo, đại diện các hộ dân cho rằng Tòa sơ thẩm tuyên buộc Phòng Quản lý đô thị - UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép xây dựng cho ông Vinh đập bỏ bức tường để mở lối đi sang ngõ 4B Lý Nam Đế là chưa đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến nội dung nêu trên, phóng viên Dân Việt đã đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội và Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm từ ngày 26/6, tuy nhiên, đến nay phóng viên chưa nhận được phản hồi.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.