Bộ lạc Trát Thích Nhi của dân tộc Mông Cổ sinh sống ở bờ Đông sông Oát Nan. Năm 1.170, dũng sĩ Khổng Ôn Quật Oa của Bộ lạc này có được người con thứ ba, đặt tên là Mộc Hoa Lê.
Theo sử thư Mông Cổ thì Mộc Hoa Lê "đầu hổ râu rồng, mặt đen như mực, thân dài 7 thước, tay dài như vượn. Túc trí đa mưu, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tương truyền ông có thể kéo cây cung nặng 200 thạch, hùng dũng vô song một thời trên thảo nguyên Mông cổ".
Gia đình Mộc Hoa Lê thuộc thành phần nô lệ. Vào thời đấy ở Mông Cổ, trai tráng đều lớn lên trên lưng ngựa, sống trên lưng ngựa và chết trên lưng ngựa. Dũng sĩ có rất nhiều và cũng có thể xuất thân từ nô lệ.
Bộ lạc Trát Thích Nhi là bộ lạc nô lệ trong dân tộc Mông Cổ. Khổng Ôn Quật Oa dâng hai người con, trong đó có Mộc Hoa Lê, cho Thiết Mộc Chân của bộ lạc Bột Nhi Chích Cân, nói rằng: "Tôi đem hai con tôi dâng cho Ngài làm nô lệ, nếu chúng dám bỏ chạy thì sẽ bị hình phạt cắt gân chân, tim, gan". Thiết Mộc Chân sau này chính là Thành Cát Tư Hãn.
Thiết Mộc Chân trong quá trình thống nhất Mông Cổ đã chinh phục được nhiều bộ lạc. Có lần một bộ lạc đã đầu hàng bất ngờ phản lại, khiến Thiết Mộc Chân chỉ kịp bỏ chạy. 6 kỵ binh khác chạy theo sát chủ, trong đó có Khổng Ôn Quật Oa.
Trên đường tháo chạy, ngựa của Thiết Mộc Chân bất ngờ lăn ra chết. Người đi theo Thiết Mộc Chân bối rối nhìn nhau, chỉ có Khổng Ôn Quật Oa đem ngựa của mình nhường ngay cho chủ, còn bản thân mình ở lại chặn đường để chủ nhân chạy thoát.
Mộc Hoa Lê có tính cách cũng giống như cha mình, hết mực trung thành phò tá cho Thiết Mộc Chân. Một lần Thiết Mộc Chân cùng 30 kỵ binh đang đi trong rừng núi thì có một toán cướp chặn đường bắn tên. Mộc Hoa lê xông lên phía trước bắn 3 mũi tên đều trúng đích, rồi tháo yên ngựa làm khiên che chắn cho Thiết Mộc Chân khỏi làn tên, thoát đi an toàn.
Mộc Hoa Lê sát cánh cùng Thiết Mộc Chân trong các cuộc chiến nhằm thống nhất các bộ tộc Mông Cổ. Bốn bộ tộc mạnh nhất trên thảo nguyên Mông Cổ là Khắc Liệt Diệc Dịch của Thoát Lý, Trát Đạt Lan của Trát Mộc Hợp, Bột Nhi Chích Cân của Thiết Mộc Chân, và bộ tộc Nãi Man.
Bấy giờ Thoát Lý là người có lực lượng mạnh nhất và cũng thân quen với cha của Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân nhận Thoát Lý là nghĩa phụ, liên kết nhằm đánh bại Trát Mộc Hợp. Thua trận, Trát Mộc Hợp đầu hàng và trở thành thượng khách của Thoát Lý. Lúc này chỉ còn lại 3 bộ tộc của Thoát Lý, Thiết Mộc Chân và bộ tộc Nãi Man.
Thiết Mộc Chân từng nhiều lần cứu mạng Thoát Lý. Để củng cố mối quan hệ thân thiết, Thiết Mộc Chân lại ngỏ ý muốn Thoát Lý gả con gái cho con trai trưởng Truật Xích của mình.
Nhằm chia rẽ liên minh đã đánh bại bộ tộc mình, Trát Mộc Hợp nói với con trai của Thoát Lý là Tang Côn rằng Thiết Mộc Chân có ước định với bộ tộc Nãi Man mưu phản.
Tang Côn theo lời đó lại gièm pha Thiết Mộc Chân với Thoát Lý. Thoát Lý tin theo, lập kế giả gửi thư cho Thiết Mộc Chân chấp thuận gả con gái cho Truật Xích, đồng thời mời Thiết Mộc Chân đến dự tiệc hứa hôn.
Thiết Mộc Chân cùng một số tùy tùng đến dự yến tiệc, nhưng lúc đang ngủ đêm trên đường đi, Thiết Mộc Chân nhận được tin báo tiệc hứa hôn là để sát hại mình. Thoát Lý đã bố trí xong quân đội nhằm giết Thiết Mộc Chân cùng toàn bộ gia tộc, đồng thời tập kích các quân của ông ở phía tây.
Thiết Mộc Chân lập túc rút lui, đồng thời lệnh cho 4 đội quân của mình nhanh chóng đến núi Mão Ôn Đô Nhi. Thoát Lý cho quân tinh nhuệ tiến đến thì lều trướng trống không, Thiết Mộc Chân không biết đã chạy hướng nào.
Thoát Lý cho quân tấn công vào 4 đội quân của Thiết Mộc Chân, 2 đội quân kịp đến núi Mão Ôn Đô Nhi, 2 đội quân còn lại bị vây khốn.
Sau đó Thoát Lý đưa quân tấn công núi Mão Ôn Đô Nhi, Thiết Mộc Chân phải rút đến căn cứ của mình ở Bổ Ngư Nhi Hải (tức hồ BaiKal ngày nay) rồi dàn trận đợi sẵn.
Quân tiên phong của Thoát Lý bị tiêu diệt. Đội quân do con Thoát Lý là Tang Côn cầm đầu khi đến không đợi Thoát Lý hợp quân mà vội tiến đánh ngay. Một trận chiến diễn ra rất ác liệt và cam go, quân của Thiết Mộc Chân nhờ hỗ trợ kịp thời cho nhau nên cuối cùng đẩy lui được địch.
Lúc này trời đã tối, biết đội quân rất mạnh của Thoát Lý đang đến gần, Thiết Mộc Chân liền cho quân rút lui suốt đêm nhằm bảo toàn lực lượng.
Thiết Mộc Chân cho quân ở các nơi tập hợp ở hồ Hô Luân nghỉ ngơi dưỡng sức chuẩn bị. Trong khi đó, Thoát Lý thấy đã xua đuổi được Thiết Mộc Chân chạy xa về phía đông thì không còn đề phòng nữa mà tổ chức tiệc mừng.
Thiết Mộc Chân cùng Mộc Hoa Lê đoán biết Thoát Lý không còn đề phòng nên cho người thăm dò tin tức. Sau đó Thiết Mộc Chân và Mộc Hoa Lê thống lĩnh 8.000 kỵ binh phản công bất ngờ. 8.000 kỵ binh tiến công thần tốc không ngừng nghỉ, khi đến trạm gác nào đều diệt gọn không để cho binh lính thoát được chạy về báo tin.
Thiết Mộc Chân cùng Mộc Hoa Lê tiến đến bao vây doanh trại của Thoát Lý. Thiết Mộc Chân gọi cha con Thoát Lý ra hàng, tuy nhiên Thoát Lý tận dụng hàng rào ngoài doanh trại làm bình phong để cho quân phòng thủ.
Mộc Hoa Lê chỉ huy quân tấn công vào doanh trại. Sau 3 ngày nỗ lực chống cự, người của bộ lạc Khắc Liệt Diệt Dịch phải đầu hàng. Thiết Mộc Chân cho kiểm tra số quân đầu hàng nhưng không thấy cha con Thoát Lý đâu. Các tướng đầu hàng cho biết cha con Thoát Lý đã trốn chạy từ 3 ngày trước.
Thoát Lý chạy trốn đến vùng đất của bộ tộc Nãi Man nhưng bị lính ở đây giết chết. Tang Côn chạy theo hướng nam để đến Tây Hạ, nhưng đường đi gian khổ thiếu thốn, đám người hầu dần bỏ chủ mà chạy, Tang Côn chết giữa đường.
Góp công lớn nhất thống nhất Mông Cổ
Bộ tộc Khắc Liệt Diệc Dịch hùng mạnh của Thoát Lý bị Thiết Mộc Chân chinh phục, trong đó Mộc Hoa Lê lập công lớn. Trên đà thắng lợi, Thiết Mộc Chân chinh phục được bộ tộc Nãi Man, thống nhất được dân tộc Mông Cổ.
Sau khi thống nhất Mông Cổ, năm 1206, Thiết Mộc Chân cùng các Khả Hãn tổ chức hội nghị Khố Lý Đài, tuyên bố thống nhất toàn bộ các bộ tộc tại Mông Cổ. Thiết Mộc Chân được tôn là Đại Hãn, lấy hiệu là Thành Cát Tư Hãn (trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là vua của cả thế giới).
Thành Cát Tư Hãn ban thưởng cho các tướng dưới quyền, trong đó khen thưởng Mộc Hoa Lê và Bác Nhĩ Truật là "Quốc nội bình định như ngày hôm nay, là nhờ công lớn của hai vị. Ta có hai người, giống như xe có càng, người có hai cánh tay vậy."
Cả Mộc Hoa Lê và Bác Nhĩ Truật được ban thưởng cai quản vạn hộ cùng đặc quyền 9 lần phạm lỗi nà không trách tội. Riêng Mộc Hoa Lê được phong là "Thế Tập Quốc Vương", địa vị cao vượt, quản hạt phía Đông một vùng rộng lớn.
Thiết Mộc Chân từng đánh giá Mộc Hoa Lê như sau: "Chiến thắng địch nhân, bắt được tù binh, đập tan mũi nhọn, chặn đường tháo lui, sau tuấn mã có mây bay, trên bờm ngựa có dương quang chiếu, kiên định khí tiết, đó chính là Mộc Hoa Lê."
(Còn nữa)