Theo đó, khảo sát của PwC có tới 19.500 người lao động tại châu Á Thái Bình Dương đã tham gia Khảo sát Lực lượng lao động Toàn cầu 2023, bao gồm 1.000 phản hồi tại Việt Nam. Nhìn chung, người lao động Việt Nam có suy nghĩ tích cực về công việc với 54% người được hỏi tin rằng, tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ tiếp tục hoạt động trong hơn 10 năm nữa (so với tỷ lệ khu vực châu Á Thái Bình Dương là 51%), theo khảo sát của PwC.
Cũng theo kết quả khảo sát thú vị hơn, kết quả này có sự khác biệt theo từng thế hệ. Thế hệ Gen Z vốn tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số nhiều hơn, lại là thế hệ ít lạc quan nhất với chỉ 47% tin vào khả năng tồn tại của doanh nghiệp, nơi họ đang làm việc trong một thập kỷ tới. Trong khi đó, có 56% người lao động thế hệ Millennials có đồng quan điểm, cũng là nhóm có sự lạc quan nhiều nhất về triển vọng phát triển doanh nghiệp. Điều này cho thấy thế hệ nhân viên trẻ nhận thấy các nhu cầu cần thay đổi trong doanh nghiệp để thích nghi trong tương lai.
Các tổ chức chỉ có thể đổi mới thành công nếu nhân viên của họ kết nối chặt chẽ với tổ chức, có động lực làm việc và mong muốn đóng góp. Người lao động tại châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình này hay chưa? Khảo sát của PwC chỉ ra 6 yếu tố giúp củng cố mức độ sẵn sàng đổi mới của người lao động, bao gồm: khả năng hoạt động của doanh nghiệp, cảm nhận của nhân viên, kỹ năng nghề nghiệp, xu hướng công nghệ, môi trường làm việc và hành động vì khí hậu. Những kết quả này sẽ là những đề xuất hữu ích cho các công ty trong khu vực, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm.
Có thể thấy, mức độ hài lòng với công việc của lực lượng lao động không có nhiều thay đổi trong các năm qua. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các nền kinh tế phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan cho thấy mức độ hài lòng trong công việc thấp hơn, với tỷ lệ dao động từ 29% đến 45%. Mặt khác, người lao động ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ thể hiện mức độ hài lòng với công việc cao hơn, từ 70% đến 79%. Tại Việt Nam, 59% người lao động rất hài lòng hoặc tương đối hài lòng với công việc của họ, khá tương tự với dữ liệu trung bình tại châu Á Thái Bình Dương là 57%.
Khoảng 40% nhân viên bày tỏ nguyện vọng được tăng lương hoặc thăng chức trong 12 tháng tới. Người lao động tại Việt Nam có yêu cầu thăng chức (34%) và thay đổi nơi làm việc (20%) ít hơn một chút so với người lao động tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn chung những con số này đã tăng 7 đến 10% so với kết quả khảo sát năm trước, cho thấy mức độ tự tin tăng lên của người lao động đối với yêu cầu lương thưởng hoặc cơ hội nghề nghiệp.
Thế hệ trẻ (Gen Z và Millennials), nhân viên cấp cao và những người làm việc trong các doanh nghiệp quy mô lớn có xu hướng yêu cầu tăng lương, tìm kiếm cơ hội thăng tiến hoặc xem xét thay đổi nơi làm việc nhiều hơn do được thúc đẩy bởi việc như tìm kiếm kinh nghiệm, kỹ năng mới hoặc tìm kiếm cơ hội để đóng góp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam cũng thể hiện ý thức mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bên sử dụng lao động thực hiện các hành động vì khí hậu. 55% cho rằng doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (so với tỷ lệ tại châu Á Thái Bình Dương là 41%) và 53% tin rằng công ty của họ đang thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ môi trường (so với tỷ lệ tại châu Á Thái Bình Dương là 43%).
Trên toàn cầu, người lao động đang phải đối mặt với khó khăn tài chính khi nền kinh tế ảm đạm và lạm phát gia tăng. Tại châu Á Thái Bình Dương, trong khi 76% người lao động chỉ có một công việc, thì trong số còn lại, cứ 4 người sẽ có 1 người đảm nhận hai hoặc nhiều công việc khác nhau, và số liệu này có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.
Con số này cao hơn so với kết quả toàn cầu, trong đó cứ 5 người thì có 1 người có nhiều hơn một công việc. Các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia có tỷ lệ người lao động có nhiều việc làm cùng lúc cao hơn. Ngược lại, người lao động ở Nhật Bản và Trung Quốc chủ yếu chỉ làm một công việc.
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng tại nơi làm việc. Đáng tiếc là không nhiều nhà quản lý thúc đẩy văn hóa chấp nhận sự thất bại, sáng tạo và thử nghiệm, theo như kết quả khảo sát. Chỉ 32% người lao động tại Việt Nam được hỏi đồng ý rằng, người quản lý của họ thường thông cảm và không quá gắt gao đối với những sai sót không trọng yếu và 32% cho rằng họ được cấp trên khuyến khích thể hiện quan điểm và tranh luận.
Ngoài ra, việc đưa ra nhận xét/phản hồi là yếu tố cần thiết cho văn hóa chuyển đổi, và điều này khá phổ biến ở Việt Nam so với mức trung bình ở châu Á Thái Bình Dương. 68% người lao động tại Việt Nam được khảo sát phản hồi rằng, họ sẽ tích cực lắng nghe nhận xét và điều chỉnh để cải thiện hiệu suất làm việc (so với số liệu tại châu Á Thái Bình Dương là 53%).
Những nhân viên lớn tuổi hơn, chẳng hạn như thế hệ Gen X và Baby Boomers, ít có xu hướng tham gia trao đổi và nhận xét so với thế hệ trẻ hơn. Tuy nhiên, các quản lý cấp cao có xu hướng tìm kiếm và đưa ra nhận xét nhiều hơn so với những người không phải là quản lý.