Có những lo ngại ở Anh về việc liệu sự thống trị ngày càng tăng của Man City có làm giảm sức hấp dẫn phổ biến và thương mại của Premier League hay không. Việc một đội bóng giành được 5 chức vô địch trong 6 mùa gần nhất tưởng sẽ đưa Premier League vào lối mòn của Bundesliga hay Ligue 1, nhưng thực tế là không làm giảm sự quan tâm khi mức độ phổ biến của giải đấu hàng đầu nước Anh vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Thậm chí, những chiến tích liên tục của Man xanh sẽ còn thu hút nhiều người hâm mộ cho đội bóng và không tác động xấu đến con số chung của Premier League. “Không ai ở Hàn Quốc nghĩ rằng Premier League sẽ mất tính cạnh tranh. Thậm chí, Man.City cứ chinh phục châu Âu, còn ngoại hạng Anh vẫn là cuộc chiến tìm suất dự Champions League”, ông Baek Jung-hyun, trưởng phòng kế hoạch của KBS Sports - Hàn Quốc cho biết. “Có nhiều điểm thú vị ở Premier League cho người hâm mộ Hàn Quốc. Ví dụ như Arsenal có thể đã vô địch khi mà chẳng ai mong đợi điều đó vào đầu mùa giải”, ông này nói thêm.
Châu Á, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, vốn dĩ rất đa dạng về dân cư và văn hóa. Tuy nhiên, giải đấu hàng đầu của Anh là là sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất. Riêng với một Đông Nam Á yêu bóng đá, nơi sinh sống của khoảng 650 triệu người, đã là cái nôi “nuôi dưỡng” bóng đá Anh bấy lâu nay.
Ở Malaysia, xếp hạng truyền hình của Premier League mùa này cao nhất trong sáu năm. Các đài truyền hình tin rằng xu hướng tăng sẽ tiếp tục chừng nào M.U và Liverpool, vốn được xem là 2 đội bóng lớn nhất Anh, cũng như Arsenal và những đội tốp đầu ký hợp đồng với những cầu thủ lớn và chơi thứ bóng đá đẹp. Một cái tên quen thuộc với CĐV Việt Nam, Sasi Kumar, cựu tuyển thủ quốc gia Singapore và hiện là Giám đốc điều hành của D+1 Sports ở Madrid, đồng ý với quan điểm này: “Người hâm mộ ở Singapore rất hỗn hợp. CĐV của Liverpool và M.U nhiều người giờ đã ở độ tuổi 40 và 50 nhưng những người hâm mộ trẻ tuổi lại thích ai là người chiến thắng và những người nổi tiếng. Nếu Man.City tiếp tục chiến thắng, tôi không thấy điều đó sẽ ảnh hưởng đến Premier League ở châu Á.”
Thị trường khó chinh phục nhất là Trung Quốc, nơi mà hoạt động kinh doanh của các nghành hàng đến từ Tây Âu luôn bị kiểm soát. Tại đây, Premier League cũng đã chiếm vị trí quan trọng nhất. Luo Ming, biên tập viên của tờ báo thể thao lâu đời Titan Sports, cho biết: “Người hâm mộ Trung Quốc sẽ không cảm thấy buồn chán nếu Premier League tiếp tục chi tiêu để thu hút hầu hết các tài năng hàng đầu trên toàn thế giới. Sự thống trị của Man City trong những năm gần đây đã tạo ra một lượng lớn các cuộc tranh cãi về những đội có khả năng cạnh tranh”.
Còn ở vùng Tây Á, Wael Chehayeb của LĐBĐ Lebanon ước tính rằng cứ 5 người hâm mộ bóng đá ở nước này thì có 4 người xem Premier League. “Cho đến nay, đây là giải đấu thú vị nhất”, Chehayeb nói. Ông này cũng chọn trận hòa gần đây giữa Newcastle lấy vé dự Champions League và Leicester sắp xuống hạng là một ví dụ về sự khó đoán hấp dẫn của giải đấu này: “Mỗi đội đều có lý do để chiến đấu nên đâu chỉ có việc quan tâm đến Man City”. Việc Newcastle đang thuộc sở hữu của nhóm đầu từ Saudi Arabia, cũng như các quốc gia UAE, Qatar cũng muốn có CLB tại Premier League càng thúc đẩy số lượng lớn từ Tây Á.
Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Premier League phổ biến ở châu Á. Rất nhiều doanh nghiệp tại đây, đến từ Thái Lan, Malaysia, Trung Đông, Indonesia, Trung Quốc tiếp cận quyền sở hữu các đội bóng tại Anh, bao gồm các đội hạng nhất. Nó vừa là nhu cầu chinh phục khác hàng của doanh nghiệp, vừa là một khoản đầu tư gần như được bảo đảm khi Premier League quá phổ biến trên toàn cầu.