Dân Việt

Chuyện về “Garage Biệt động Sài Gòn”

Kỳ Phương 09/07/2023 14:31 GMT+7
Chiếc Citroen mang số hiệu NCE – 345 và chiếc Hino Pickup mang số hiệu EC – 6045 của sĩ quan biệt động Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế) – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân năm 1968.

Ít ai biết trước đó nhiều năm, 2 chiếc xe này được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn giao nhiệm vụ cho ông Dương Văn Đức - chủ garage Tự Lực nằm trên đường Lê Văn Duyệt bảo trì, thiết kết thùng xe 2 đáy để vận chuyển vũ khí, tài liệu, đưa rước cán bộ ra vào nội đô Sài Gòn. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968 cho đến ngày thống nhất đất nước, xe được Phủ Tổng thống Chính quyền Sài Gòn phát mãi và bán qua tay nhiều người, nhưng nhờ sự giúp sức của ông chủ Garage Tự Lực, ông Trần Văn Lai đã tìm lại được 2 chiếc xe lịch sử nói trên.

Chuyện về “Garage Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 1.

Các đại biểu trong cuộc họp bàn về việc phục dựng lại di tích biệt động sài Gòn ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện một chiếc được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, chiếc còn lại trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Đặc công, Hà Nội. Thế nhưng, sau gần nửa thế kỷ thành phố được giải phóng, số phận Garage Tự Lực vẫn còn rất ít người biết đến.

Hai chiếc xe lịch sử

Cuối tháng 7 vừa qua, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TP. Hồ Chí Minh, khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định có công văn đề nghị Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ bảo tồn di tích lịch sử Biệt động Sài Gòn tại số 499/20 đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách Mạng Tháng 8, phường 13, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Công văn được chủ nhiệm, Đại tá Trần Đức Thơ ký, nêu rõ trong thời kỳ kháng chiến là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác bảo vệ cán bộ khi hội họp ở nội thành do ông Dương Văn Đức (Hai Diện), chủ nhà trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Nơi đây, đồng thời cũng là cơ sở sửa chữa ô tô có tên Garage Tự Lực.

Ông chủ Garage Tự Lực Dương Văn Đức được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung. Trong đó tiêu biểu nhất là sĩ quan Trần Văn Lai, cán bộ Biệt động Sài Gòn thường xuyên gửi hai chiếc xe ô tô mang số hiệu NCE - 345 và EC - 6045 cho ông Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để phục vụ công tác vận chuyển vũ khí, đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn. Tết Mậu Thân 1968 chúng được Đội 5, Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào dinh Độc Lập.

Chuyện về “Garage Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 2.

Ông Dương Văn Đức, ông chủ Garage Tự Lực lúc sinh thời tại nhà riêng vừa là Garage và cũng là cơ sở của Biệt Động Sài Gòn

Tháng 3/1976, nguyên Tư lệnh quân khu Sài Gòn – Gia Định, Đại tá Trần Hải Phụng và ông Nguyễn Văn Tăng – nguyên Cụm trưởng Cụm I Biệt Động Sài Gòn, phụ trách mục tiêu dinh Độc Lập trong đợt tấn công Tết Mậu Thân, đồng xác nhận ông Trần Văn Lai, tức Mai Hồng Quế là cán bộ quân sự của Quân khu hoạt động trong nội thành. Từ năm 1966, sĩ quan Trần Văn Lai được phân công chuẩn bị bảo đảm cơ sở cất giấu vũ khí và phương tiện di chuyển cho mục tiêu dinh Độc Lập, nằm trong kế hoạch tổng tiến công Tết Mậu Thân. Về phương tiện vận chuyển chiến đấu, để tiết kiệm ngân quỹ nên Quân khu đã dùng 2 chiếc xe riêng của ông Lai để chuyển quân và vũ khí đến mục tiêu chiến đấu. Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, hai chiếc xe này đã bị địch tịch thu.

Sau năm 1975, trong quá trình đi tìm lại hai chiếc xe cũ, ông Trần Văn Lai chợt nhớ đến người đồng đội cũ từng là ông chủ Garage nổi tiếng một thời ở Sài Gòn. Theo ông Trần Vũ Bình – con trai của Anh hùng Trần Văn Lai, thuật lại lời của ông chủ Garage Tự Lực nói với cha mình rằng, một thời gian ngắn sau Tết Mậu Thân, chiếc xe NCE – 345 được một thượng sĩ trong Phủ tổng thống đem đến garage của ông sửa chữa trong tình trạng hư hỏng nặng. Nhận ra xe chiếc xe "quen thuộc" và nghe qua câu chuyện của viên thượng sĩ kể lại, ông chủ Garage Tự Lực đinh ninh là ông Trần Văn Lai đã hy sinh… Tuy vậy, chiếc Citroen mang biển số NCE - 345, sau đó được bán qua tay nhiều người nhưng nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của ông chủ Garage Tự Lực, ông Trần Văn Lai đã tìm lại được không những một, mà cả hai chiếc xe lịch sử nói trên.

Tuy là chủ garage có "số má" ở Sài Gòn nhưng ông Dương Văn Đức luôn là người trực tiếp bảo dưỡng các phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của Biệt Động Sài Gòn. Chính ông sáng kiến cải tạo, thiết kế xe ôtô 2 đáy nhằm ngụy trang chứa vũ khí, tài liệu, thuốc men… để vận chuyển từ nội thành ra chiến khu, sau đó vận chuyển vũ khí từ chiến khu về Sài Gòn cất giấu tại các hầm chứa vũ khí trong nội đô Sài Gòn một cách an toàn.

Theo Chủ nhiệm câu lạc bộ, Đại tá Trần Đức Thơ, trong thời kỳ kháng chiến, ông Đức sử dụng nhà của mình làm garage để bảo quản, sửa chữa các phương tiện của Biệt động Sài Gòn. Không chỉ vậy, ông còn tổ chức thành nơi hội họp chuyển giao thư từ, tài liệu, mật lệnh của Biệt động Sài Gòn. Từ năm 1968 đến những năm cuối của cuộc chiến, gia đình ông Đức còn biến nơi đây thành nơi che chở, bảo vệ cho hàng trăm người dân khu vực Hòa Hưng khỏi bom rơi đạn lạc. Sau năm 1975, ông Đức tiếp tục có những đóng góp rất tích cực cho địa phương, ông là Đại biểu Hội đồng nhân dân quận 10 khóa III và IV; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 10, Đại biểu Hội đồng nhân dân phường 24 cũ - nay là phường 13 quận 10 các khóa III, IV, V… và là một tấm gương sáng mẫu mực, được gia đình, đồng đội và bà con hàng xóm yêu quý. Ngoài ra, bản thân ông chủ Garage Tự lực Dương Văn Đức còn có rất nhiều thành tích đóng góp cho Cách mạng như tổ chức xây dựng các cơ sở cách mạng để che giấu, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ hoạt động, liên lạc, đảm bảo chiến đấu, đóng góp vật chất cho các chiến sĩ cán bộ hoạt động cách mạng. Tích cực tham gia các tổ chức cách mạng như Vệ Quốc đoàn, Công đoàn thành Sài Gòn - Chợ Lớn… Năm 2000, ông Đức được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng III.

Uống nước nhớ nguồn

Năm 1999, sĩ quan Biệt động Trần Văn Lai - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đã xác nhận cho cán bộ của mình đó là ông Dương Văn Đức như sau: Từ 1963 đến 1968 là cơ sở của đơn vị Bảo đảm chiến đấu Biệt động Sài Gòn (J.9 – T.700). Nhà của ông Đức là trụ sở liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú. Ông Đức là thợ sửa ôtô, có Garage Tự Lực. Tôi đã gửi ông hai chiếc xe ôtô mang biển số NCE – 345 và EC – 6045 để bảo trì, bảo đảm công tác và phục vụ chiến đấu. Hai xe này Tết Mậu Thân đã chở vũ khí, cán bộ chiến sĩ Đội 5 Biệt động tấn công dinh Độc Lập, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trước đó xe đưa đón cán bộ lãnh đạo cấp cao Quân khu, các thủ trưởng đơn vị tác chiến vào nội thành, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Trí, Thủ trưởng đơn vị J.9 – T.700. Vào thời điểm đó, sỹ quan Trần Văn Lai là cán bộ của J.9 – T.700, thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Nhà ông Lai có hầm chứa vũ khí tại nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Hầm vũ khí này đã sử dụng tấn công dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ngày nay hầm vũ khí này được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Chuyện về “Garage Biệt động Sài Gòn” - Ảnh 3.

Garage Tự Lực ở số 499/20 Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10 đang khẩn trương sửa chữa để kịp khánh thành, khai trương cho khách tham quan vào ngày 22/12/2022

Cũng trong năm 1999, ông Nguyễn Văn Trí từng là Thủ trưởng đơn vị J.9 – T.700, xác nhận nhà ông Đức có Garage và ông Trần Văn Lai là cán bộ của đơn vị đã tổ chức cho ông Đức làm cơ sở cách mạng, có nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, gìn giữ hai chiếc ôtô nhằm bảo đảm sẵn sàng công tác. Đồng chí Trần Văn Lai đã nhiều lần tự lái hai xe luân phiên đón các ông Nguyễn Ngọc Lộc (Tư Quỳ), Khu ủy viên, Phó chính ủy Quân khu Sài Gòn và đồng chí Ba Đen, Chỉ huy trưởng trận đánh tòa đại sứ Mỹ từ Củ Chi về Sài Gòn. Trong chiến dịch Mậu Thân, hai chiếc xe này đã chở Ban chỉ huy và chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập.

Qua đó có thể thấy thành tích của ông Đức và Garage Tự lực của ông là một phần trong lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn và phong trào cách mạng miền Nam trong hai thời kỳ kháng chiến, rất cần được tôn tạo, giữ gìn để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Có một tín hiệu vui là cuối tháng 9 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp bàn về công tác hỗ trợ bảo tồn, phát huy cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn ở số 499/20 đường Cách Mạng Tháng 8, phường 13, quận 10. Tại cuộc họp, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin Quận 10 tỏ ý đồng thuận và ủng hộ việc xếp hạng di tích đối với nhà 499/20 Cách Mạng Tháng 8, đồng thời đề nghị chủ nhà chuẩn bị các tư liệu, hồ sơ liên quan đến công trình.

Về phía Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định cho biết đây là một trong những cơ sở của đơn vị Biệt động xuất hiện đầu năm 1963, làm nhiệm vụ chứa vũ khí và xây dựng mạng lưới hậu cần kỹ thuật. Hiện nay còn giữ được một số hiện vật, hình ảnh gắn liền với quá trình nguồn gốc lịch sử. Câu lạc bộ bước đầu đã phối hợp với gia đình ông Dương Văn Đức tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở cách mạng của Biệt Động Sài Gòn tại số 499/20 đường Cách Mạng Tháng 8, P. 13, Q.10 trở thành di tích lịch sử văn hóa của TP. Hồ Chí Minh. Để trong tương lai nơi đây trở thành một điểm đến quan trọng trong cụm di tích lịch sử - văn hóa của Biệt động Sài Gòn, bao gồm các di tích đã được công nhận như: Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đánh dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968; Di tích lịch sử cấp quốc gia Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 Biệt động Sài Gòn; Di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn, Di tích Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Được biết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã dành gần 2 giờ đồng hồ để đi thăm di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi tại số 113A Đặng Dung (Q.1) và di tích Bảo tàng Biệt động ở số 145 Trần Quang Khải (Q.1). Cả hai nơi này ngày trước đều là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Chuỗi di tích trên được ông Trần Vũ Bình, con trai cựu biệt động Trần Văn Lai đã dày công khai mở và phục hồi hệ thống hầm ngầm, hộp thư nổi… đang trở thành điểm đến thu hút rất nhiều giới tìm hiểu về quá khứ của cha ông sống và chiến đấu trong lòng địch thật sự gian lao như thế nào.

Tại điểm tham quan, Đại tá Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, khối lực lượng vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định báo cáo với Bí thư về việc CLB đang khẩn trương phục dựng "Garage Biệt động Sài Gòn" để kịp khánh thành vào ngày 22/12 tới. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tỏ ra xúc động, ông đề nghị các Sở, Ngành tập trung phối hợp với CLB và gia đình sớm thực hiện. "Trên thế giới rất hiếm có chuỗi di tích và bảo tàng nằm trong di tích lịch sử như thế này nên nó rất đặc biệt", Bí thư Thành ủy nói.