Vừa qua, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) ra thông báo cho biết, năm 2023 phía trung tâm và Nhật Bản tuyển lao động thực tập sinh đi làm việc theo Chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan) không giới hạn ở hai ngành sản xuất chế tạo và xây dựng. Ứng viên cần trong độ tuổi 18-30, thuộc các huyện nghèo, các xã khó khăn bãi ngang, ven biển.
Theo đó, đối tượng là lao động trong độ tuổi từ 18-30 tuổi. Nếu trúng tuyển lao động sẽ được cử đi đào tạo 3 tháng và chỉ mất phí ăn học trong 3 tháng đầu, 4 tháng sau được miễn phí tiền học, tiền ký túc xá, tiền visa, vé máy bay… nếu công ty phía Nhật tiếp nhận.
Thời gian đi làm việc tại Nhật Bản 3-5 năm với mức lương hợp đồng 25-30 triệu đồng mỗi tháng, chưa gồm tiền làm thêm ngoài giờ. Lao động về nước đúng hạn được IM Japan hỗ trợ một triệu yên (khoảng 170 triệu đồng) để khuyến khích lập nghiệp và khoản bảo hiểm hưu trí khoảng 80 triệu đồng.
"Chương trình phi lợi nhuận nên người tham gia chỉ phải trả các khoản như phí khám sức khỏe, hộ chiếu, vé máy bay đi Nhật... tối đa 38 triệu đồng", lãnh đạo trung tâm cho hay. Chương trình vì thế tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại trụ sở trung tâm hoặc qua bưu điện, không qua trung gian. Người lao động không nộp hồ sơ qua môi giới để tránh mất tiền oan.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững có nội dung tiểu dự án hỗ trợ lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... lao động thuộc huyện nghèo đều được hỗ trợ để đi xuất khẩu lao động.
Các lao động có thể được hỗ trợ tiền học, tiền ăn ở, hỗ trợ vay tiền ký quỹ với lãi xuất ưu đãi khi đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, từ năm 2006 đến nay chương trình IM Japan triển khai đưa được khoảng 8.000 thực tập sinh sang Nhật. Chương trình thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản ra đời năm 1993 nhằm hỗ trợ lao động các nước đang phát triển học tập kỹ năng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm. Mỗi khóa đào tạo không quá 5 năm, lao động sau khi làm việc tại Nhật Bản về nước được kỳ vọng là nguồn nhân lực có trình độ cao trong ngành nghề được đào tạo.
Cũng trong tháng này, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng thí điểm tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành công nghiệp gốc - nghề hàn năm 2023. Người lao động tham gia chương trình có cơ hội làm việc tại Hàn Quốc trong 3 năm với mức lương gần 40 triệu đồng/tháng.
Bà Phạm Thị Ngọc Lan - Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết đơn vị này vừa thông báo kế hoạch thí điểm tuyển chọn lao động được thực hiện theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Dự kiến, số lượng tuyển chọn năm nay là 300 người. Đối tượng tuyển chọn bao gồm những lao động đăng ký ngành sản xuất chế tạo đã tham gia kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2023 và đáp ứng các điều kiện: điểm thi tiếng Hàn đạt từ 80 đến dưới 130 điểm; đã tốt nghiệp hệ trung cấp trở lên nghề hàn, cơ khí có đào tạo modul hàn.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ 7 – 14/7. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại đơn vị chức năng tiếp nhận đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2023 đã được sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ.
Người lao động đạt yêu cầu qua vòng phỏng vấn phải tham gia khóa đào tạo tập trung nghề hàn, tiếng Hàn tại các cơ sở đào tạo do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) lựa chọn ở Hà Nội. Khóa đào tạo nghề hàn dự kiến trong 20 ngày, sau đó, người lao động được tham gia 2 lần thi tiếng Hàn, kết quả chính thức được công nhận là kết quả của lần thi có điểm cao nhất. Điểm thi trúng tuyển phải đạt từ 80/200 điểm.
Việc tổ chức phỏng vấn thi tuyển, ra đề thi sát hạch tay nghề, đề thi tiếng Hàn và công tác chấm thi do HRD Korea chịu trách nhiệm. Những lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn mới được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động nếu trúng tuyển tham dự các khóa đào tạo sẽ phải nộp chi phí khóa đào tạo nghề hàn và chi phí thi sát hạch tay nghề hàn tối đa là 9,5 triệu đồng cho cơ sở đào tạo nghề; nộp cho Trung tâm Lao động ngoài nước chi phí khóa đào tạo tiếng Hàn 3,2 triệu đồng; chi phí đăng ký dự thi tiếng Hàn, tiền Việt tương đương 24 USD.
Tới cuối năm 2022, cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường truyền thống thu hút trên 90% lao động Việt Nam. Nhật Bản có 250.000 người, Đài Loan 230.000 người và Hàn Quốc 40.000 người.
Người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn, được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng lao động sẽ phải nộp chi phí phái cử số tiền Việt tương đương 630 USD, và ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh như quy định chung đối với lao động tham dự Chương trình EPS.
Ngoài các khoản nêu trên, người lao động không phải phải nộp thêm bất cứ chi phí nào khác.
Người lao động tham gia chương trình sẽ được đi làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn 3 năm, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu sẽ được gia hạn tối đa 1 năm 10 tháng; có cơ hội tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS sau khi về nước đúng hạn.
Tại Hàn Quốc, người lao động được hưởng mức lương cơ bản, lương làm thêm giờ và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của nước sở tại. Hiện nay, mức lương tối thiểu của Hàn Quốc là 9.620 won/giờ, tương đương 2.015.800 won/209 giờ (khoảng 36 triệu đồng).
Theo Bộ LĐTBXH, Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam lựa chọn sang làm việc, với mức thu nhập bình quân từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Năm 2023, Việt Nam và Hàn Quốc cũng phối hợp tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho gần 23.400 lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc với số lượng đăng ký lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. 6 tháng đầu năm Việt Nam đưa 398 lao động sang Hàn Quốc làm việc.