Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn (Bệnh viện Việt Đức), sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua âm đạo hoặc hậu môn như sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết.
Bệnh xảy ra do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu, gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu, đại tiện.
Theo bác sĩ Huyền, khi mắc bệnh sa tạng chậu, người bệnh sẽ gặp phải nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý người bệnh như:
– Xuất hiện khối phồng thò ra khỏi âm đạo.
– Đau lưng dưới hoặc tức nặng vùng chậu.
– Ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là ra huyết sau mãn kinh.
– Són tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, hay bị nhiễm trùng niệu tái phát
– Quan hệ tình dục đau đớn hoặc khó khăn.
– Đại tiện khó, đại tiện tắc nghẽn.
"Để phòng ngừa, hạn chế bệnh sa tạng chậu, chị em phụ nữ cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, rau quả ngăn ngừa táo bón; duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể béo phì, thực hành bài tập Kegel nhằm tăng cường sức co cơ sàn chậu và luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn", bác sĩ Huyền khuyến cáo.
Ngoài ra, bác sĩ Huyền cho biết, chị em có thể tập luyện cơ sàn chậu với máy siêu âm, máy hướng dẫn tập hoặc kích thích điện cơ để nhận biết nhóm cơ cần tập, tập luyện vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soát tiêu tiểu, điều trị thuốc khi có viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, sử dụng vòng nâng điều trị sa tạng chậu cũng là một phương pháp hiệu quả. Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, chị em cần đến cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ có chuyên môn chỉ định can thiệp phẫu thuật phù hợp.