Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc (quận Tân Bình) về nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến du lịch, phát triển du lịch bền vững, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trên cơ sở khảo sát du khách và nghiên cứu thị trường, ngành du lịch thành phố đã xác định được 5 yếu tố cốt lõi và xây dựng thương hiệu, chất lượng cũng như chiến lược truyền thông.
Về công tác phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của TP.HCM, ngành du lịch có 8 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ. Đó là phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng…, trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP cho rằng, các sản phẩm tiềm năng lợi thế của thành phố là du lịch đường thủy, du lịch không ngủ gắn với vui chơi, giải trí và kinh tế đêm. Hiện một số quận huyện, nổi bật là quận 1 và quận 3, đang tập trung thực hiện đề án tuyến phố đi bộ gắn với hoạt động văn hóa, thể thao, phục vụ phát triển du lịch.
Trong vai trò của mình, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường; rà soát các quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về phát triển du lịch ngoại thành, truyền tải các giá trị truyền thống lịch sử, du lịch đường thủy, bà Ánh Hoa cho biết, sở tiếp tục phối hợp phát triển các sản phẩm gắn với văn hóa, tăng tính trải nghiệm cho du khách cũng như phát triển các ứng dụng để tăng cường quản lý dữ liệu số, quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch văn hóa. Đồng thời tăng cường phối hợp các địa phương đầu tư, phát triển du lịch văn hóa của mỗi vùng miền.
Hiện ngành du lịch quan tâm tháo gỡ khó khăn để có cơ chế sử dụng quỹ đất ven, trên kênh; các quy chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến đón trả khách, bến neo đậu. Tuy nhiên, người dân chưa quen với giao thông đường thủy. TP hiện có 300.000 lượt sử dụng phương tiện giao thông đường thủy, thấp hơn nhiều so với tiềm năng vốn có.
Thời gian tới, ngành du lịch sẽ xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ giới thiệu các tuyến du lịch đường thủy. Trong đó chú trọng kết nối việc phát triển du lịch đường thủy gắn liền với các điểm di tích văn hóa lịch sử; tổ chức các dịch vụ thể thao trên và dưới nước, các chương trình phục vụ du khách.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa nhìn nhận, hiện ngành du lịch có 2 khó khăn chính. Đó là thiếu các cơ chế chính sách và nguồn nhân lực. Đây là những nội dung được xác định trọng tâm để tháo gỡ và tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách mới như huy động tài chính tái đầu tư cho các điểm du lịch xuống cấp; khuyến khích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.