Điều hành doanh nghiệp với doanh số lên tới hàng triệu USD nhưng Nguyễn Lê Quốc Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) lại được đối tác, khách hàng gọi bằng cái tên thân mật "Tuấn thầy tu".
Tuấn không đi tu, nhưng Tuấn lại ăn chay trường từ năm 2016 đến nay. Nhu cầu hàng ngày của Tuấn rất thấp, ăn rau củ công ty trồng, xe cộ công ty lo… Thậm chí, Tuấn cũng không biết mình có bao nhiêu tiền, chỉ biết cảm giác đời mình bình an, an lành.
"Tiền bạc với tôi bây giờ chỉ là phương tiện, có thì tiêu, không thì thôi", Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Giám đốc Sông Hương Foods, chia sẻ với Dân Việt.
-Một người trẻ giàu có nhưng vì sao ông không "hưởng thụ" mà lại chọn "kiêng khem", vì sao vậy?
Tôi suýt chút nữa thì lên chùa làm thầy tu đấy chứ (cười) nhưng chùa không nhận, vì tôi còn vướng đời, còn kiếm tiền, còn nhiều phiền não và còn nhiều người tìm kiếm. Vì vậy, nhận thấy không muốn làm phiền chùa nữa nên tôi về và phát nguyện. Nguyện đời này kiếp này khi còn hít vô thở ra thì chỉ ăn chay. Nguyện đời này kiếp này khi còn hít vô thở ra thì tu tập theo lời Phật dạy giữ giới: Không nói dối, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dùng chất kích thích.
Tôi đã giữ giới từ 2016 tới bây giờ và nhận ra rằng tôi có ngày hôm nay vì giữ giới, vì tu tập. Tôi thoát ra được con người xấu xí, bệnh hoạn của mình năm trước 30 tuổi. Bạn bè tôi vẫn tiếp tục kiếm tiền, sống cuộc đời phiền não, tóc bạc nhiều...
Tôi may mắn thoát ra được những điều đó nhờ tu tập, tiền bạc với tôi bây giờ chỉ là phương tiện, có thì tiêu, không thì thôi.
-Thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp không ít khó khăn khi "cạn" các đơn hàng xuất khẩu, Sông Hương Foods thì sao?
Chúng tôi thì ngược lại. Hiện tại, doanh số nội địa đang sụt giảm ít nhất 20%-30%, nhưng tăng trưởng xuất khẩu lại lên tới 70%-80%. Hiện Sông Hương Foods đang dành hết nguồn lực để xây dựng nhà máy bánh.
Trước đây, Sông Hương Foods tham gia thị trường nội địa là muốn đem thương hiệu cà pháo Việt Nam phát triển mạnh, trở thành một món đặc sản như "kim chi của Hàn Quốc", nhưng sau này tôi mới nhận ra rằng, thị trường nội địa quá phân mảnh, đặc biệt là quá phụ thuộc vào các chuỗi bán hàng như Bách Hóa Xanh, Vinmart, Coop Mart… Chỉ cần họ "hắt hơi, sổ mũi" là mình cũng lao đao luôn.
Chưa kể, sản phẩm của Sông Hương Foods là sản phẩm hũ thủy tinh nên không bán online được. Trong khi hũ nhựa thì không bền, hơn nữa Sông Hương Foods bán đồ ăn nên có tâm lý dùng hũ nhựa thì không an toàn bằng hũ thủy tinh.
Để khắc phục khó khăn này, trước đây tôi có tìm hiểu hũ làm bằng giấy tái chế nhưng chi phí rất cao, mắc đến mức không thể tiếp cận được. Do đó, tôi mới chọn con đường xuất khẩu và tập trung cho nó.
-Nhưng nếu so với thị trường xuất khẩu chỉ hơn 5,3 triệu kiều bào và thị trường nội địa 100 triệu dân thì rõ ràng là thị trường nội địa vẫn hấp dẫn hơn?
Như đã nói, sản phẩm mắm, cà… của Sông Hương Foods vì đóng trong hũ thủy tinh nên khó bán online, lại phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi bán lẻ. Còn các sản phẩm bánh nậm, lọc… thì ở thị trường trong nước, cái khó là các sản phẩm bánh của Sông Hương Foods là cấp đông nên không bán online được, chi phí mắc, người dân thích ăn đồ tươi.
Chính vì không thuận lợi như thế, nên Sông Hương Foods mới tập trung mạnh vào xuất khẩu. May mắn là Sông Hương Foods đã chinh phục được thị trường Mỹ. Hiện nay thị trường Mỹ "ăn bánh" rất đều, tháng nào cũng đặt.
Hiện mỗi tháng Sông Hương Foods xuất khẩu bánh khoảng 2 container (40 feet) với giá trị mỗi công lên tới 87.000 USD, gần bằng với doanh số cả năm ở nội địa (khoảng 4 tỷ đồng).
Nghe có vẻ hơi bất ngờ, ở nước ngoài chỉ hơn 5,3 triệu người Việt nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi lại cao rất nhiều so với tiêu thụ trong nước khi có tới 100 triệu dân.
Hiện tại, ngoài thị trường Mỹ, Sông Hương Foods cũng đang xuất khẩu các loại bánh, mắm sang thị trường Nhật, Úc và Hàn Quốc vì đây cũng là những thị trường có đông người Việt Nam sinh sống.
-Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Mỹ, hiện Sông Hương Foods đang tận dụng được cơ hội gì từ thị trường này?
Trước đây, xuất khẩu cà, mắm sang Mỹ thì người dân ăn khá lâu, 1-2 tuần mới hết thì nay sản phẩm bánh họ chỉ ăn trong 15-20 phút là hết và sẵn sàng quay lại mua bánh nữa rất lớn, lớn 20-30 lần so với bán cà mắm. Nguyên nhân theo tôi nghĩ thì cũng khá đơn giản, ở nước ngoài, xa quê hương nên dù có tiền muốn ăn đồ đặc sản trong nước cũng khó, vì vậy các sản phẩm của Sông Hương Foods được cấp đông âm 18 độ C nên an toàn và được người Việt ở nước ngoài lựa chọn.
Thời gian gần đây, ở thị trường Mỹ, người dân đang vào giai đoạn 'thắt lưng buộc bụng' nhưng các sản phẩm của Sông Hương Foods lại không giảm, thậm chí còn tăng so với giai đoạn trước. Tôi thấy rất may mắn.
Ngày trước xuất khẩu mắm thì phải 2 tháng sau người ta mới đặt lại, giờ mới giao container bánh thì chỉ khoảng 2 tuần sau người ta lại đặt tiếp. Thậm chí, tôi có cảm giác các loại bánh trở thành một món ăn thay thế cho người dân với những sản phẩm đang ăn.
Ví dụ như người ta đang ăn tô phở 15 đồng (USD) thì giờ đổi sang ăn cái bánh giò 3 đồng, vẫn no. Hoặc sản phẩm bánh lọc 6,9 đồng, vẫn ngon; hoặc ăn 2 cái xôi khúc chỉ 4 đồng.
Vì vậy, để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường Mỹ, Sông Hương Foods hiện có thêm sản phẩm xôi khúc, bánh gai, bánh giò. Đặc biệt, sản phẩm bánh giò của công ty không có thịt mà thay thế bằng trứng cút, tôm nên hấp dẫn hơn so với những loại bánh giò truyền thống.
-Các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn về đơn hàng, nhưng Sông Hương Foods lại tăng trưởng mạnh, ông có bí quyết gì?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản, khi xuất khẩu thì đương nhiên phải tuân thủ các quy định về hồ sơ thủ tục, các xét nghiệm của nước nhập khẩu nhưng quan trọng hơn là phải biết cách truyền thông quảng bá để bán được hàng. Những câu chuyện, những chi tiết cụ thể rất dễ thu hút khách hàng, nhất là giai đoạn mạng xã hội phát triển như hiện nay
Theo quan điểm cá nhân, xuất khẩu không phải đơn giản chỉ là có sản phẩm mang đi mà phải đảm bảo được ba điều: Thứ nhất là đảm bảo được nguồn sản phẩm mang đi, kế đến là phải liên tục truyền thông để thị trường biết được các sản phẩm mang đi, và cuối cùng là phải hỗ trợ các nhà nhập khẩu bên đó làm được truyền thông ở nước sở tại.
Làm tốt 3 điều này thì có lẽ các doanh nghiệp sẽ "dễ thở" hơn để tìm kiếm khách hàng và duy trì lượng khách hàng đó.
-Ông có ý định kêu gọi thêm đầu tư để phát triển mạnh hơn ở lĩnh vực xuất khẩu, để chinh phục không chỉ hơn 5,3 triệu kiều bào mà còn cả triệu triệu người nước ngoài khác nữa?
Thực tế, để đáp ứng nguồn hàng cho xuất khẩu giai đoạn hiện tại thì bắt buộc chúng tôi phải xây thêm nhà máy bánh rộng hơn. Hiện cá nhân tôi đang vận động nhà đầu tư góp vốn và đã tiếp cận được 2-3 người để cùng làm...
Dự kiến doanh số xuất khẩu năm nay đạt 1,5-2 triệu USD
Năm 2018, khi tiếp nhận công ty từ gia đình, doanh số của Sông Hương Foods khi đó chỉ 3-4 tỷ đồng và thị phần chủ yếu ở trong nước. Tuy nhiên, từ khi bắt tay tiếp quản công ty, tôi đã có định hướng phát triển thị trường ra các nước để phục vụ những kiều bào xa quê hương. Đến năm 2022, doanh số xuất khẩu của công ty đạt hơn 60.000 USD. Năm nay, chuyến xuất khẩu đầu tiên đạt 240.000 USD, cả năm dự kiến đạt 1,5-2 triệu USD.
Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods