Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc cho rằng, kinh nghiệm từ việc ứng phó với Covid-19 cho thấy, các biện pháp về chính sách bảo trợ xã hội không chỉ có lợi trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Việt Nam mà còn hỗ trợ sinh kế của người dân và ngăn chặn vòng xoáy đói nghèo.
Ngày 13/7, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức hội thảo khu vực phía Nam lấy ý kiến về dự án luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và những vấn đề về lớn về dân số cần quan tâm tại TP.HCM.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp
Phát biểu tại hội thảo, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng về kinh tế, xã hội. Trong đó, chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam đã giảm từ mức 9% vào năm 2016 xuống mức 3,6% vào năm 2022.
Việt Nam cũng đạt được bước tiến đáng kể về công tác bảo trợ, an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội. Trong năm 2023, có khoảng 17,5 triệu người lao động Việt Nam đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội (con số này năm 2016 là gần 13 triệu người).
Tuy nhiên, bà Pauline Tamesis cho rằng, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thác thức lớn. Trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ chiếm 37% lực lượng lao động, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Đảng thông qua vào năm 2018 (đạt tỷ lệ bao phủ 60% vào năm 2030);
Tại Việt Nam, chỉ có 30% phụ nữ tham gia lực lượng lao động được hưởng bảo hiểm thai sản. Con số này sẽ còn thấp hơn vì không phải tất cả phụ nữ đều tham gia vào lực lượng lao động. Chế độ và phúc lợi thai sản tại Việt Nam đang có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm phụ nữ tùy thuộc vào tình hình thị trường lao động của từng nhóm. Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016 cho thấy, 10,1% người cao tuổi (khoảng 1,2 triệu người) cần được chăm sóc, trong đó nhóm người cao tuổi khuyết tật chiếm một tỷ lệ cao đáng kể...
"Nhìn chung, bảo trợ xã hội đóng một vai trò quan trọng và vai trò này cần được tăng cường hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này cũng sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp Việt Nam đối phó với những thách thức ngày càng lớn đến từ những thay đổi về nhân khẩu học, phát triển công nghệ, biển đổi khí hậu và sự bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng", bà Pauline Tamesis nói.
Cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội
Bà Pauline Tamesis nhận định, điều đáng mừng là Việt Nam đã củng cố và mở rộng các chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung sửa đổi luật bảo hiểm. Bà cũng đưa ra một số lựa chọn và đầu tư để tăng cường, cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội.
Đầu tiên là cách tiếp cận bao trùm toàn bộ hệ thống xã hội, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc phát triển, tích hợp hệ thống bảo hiểm và bảo trợ xã hội. Thứ hai là cần mở rộng phạm vi bao phủ (đặc biệt là tới các nhóm dân số dễ bị tổn thương) .
Thứ ba, bà Pauline Tamesis cho rằng, nỗ lực mở rộng chế độ thai sản cho cả nam giới và nữ giới trong tương lai sẽ có ý nghĩa quan trọng cả về góc độ bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.
Thứ tư, Việt Nam cần chú ý đến tính phù hợp, thỏa đáng của các quyền lợi do hệ thống BHXH chi trả. Cuối cùng là cần xem tính bền vững của hệ thống về mặt tài chính. Bà Pauline Tamesis trích dẫn bằng chính thực nghiệm dựa trên nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, đó là việc đầu tư 1 triệu đồng vào các chính sách xã hội (như bảo trợ xã hội, giáo dục và y tế) sẽ giúp GDP quốc gia tăng thêm 3,2 triệu đồng.
"Tác động tích cực và đáng kể nói trên đến từ đầu tư xã hội sẽ không chỉ mang lại những lợi ích xã hội lớn hơn mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng th một cách bền vững và bao trùm hơn; góp phần hiện thực hóa mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Kinh nghiệm từ việc ứng phó với Covid-19 cho thấy các biện pháp về chính sách bảo trợ xã hội không chỉ có lợi trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Việt Nam mà còn hỗ trợ sinh kế của người dân và ngăn chặn vòng xoáy đói nghèo", bà Pauline Tamesis nói.
Đề xuất phương án liên quan việc rút BHXH 1 lần
Tại hội thảo, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM đề xuất: Phương án 1, những ai đã tham gia và đóng BHXH rồi thì được rút BHXH một lần như quy định hiện hành. Đối với những người tham gia mới BHXH thì chỉ được rút 50% số tiền BHXH một lần.
Phương án thứ 2, người lao động được rút BHXH 1 lần toàn bộ số tiền mà họ đóng góp, nhưng phải giữ lại phần của người sử dụng lao động đóng.
Trong khi đó, ông Andre Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần cần phải từng bước giảm số tiền rút trong tổng số tiền đóng BHXH mà người lao động có thể nhận thông qua hình thức rút 1 lần và tăng thời gian chờ đợi.
Ngoài ra, cần phải tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn như xây dựng chế độ trợ cấp gia đình. Mở rộng diện bao phủ và tăng hiểu quả của các yếu tố chủ động và bị động của Bảo hiểm thất nghiệp.