Dân Việt

Vụ gian lận tại Genius Olympiad 2023: TS Trần Nam Dũng cho rằng học sinh Việt Nam cũng phải được dạy về bản quyền

Mỹ Quỳnh 14/07/2023 08:03 GMT+7
Theo TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), trung thực là yếu tố cần thiết ở bất cứ cuộc thi nào. Trong giáo dục, vấn đề trung thực là tối quan trọng. Nếu mất đi yếu tố này, có thể sẽ mất tất cả. Học sinh Việt Nam cũng cần phải dạy nhiều về vấn đề bản quyền.

Lùm xùm giữa việc nữ sinh Mai Chi (lớp 9 Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM) tố cáo nam sinh N.Q.U (lớp 10, Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lấy cắp đề án của mình để dự thi Genius Olympiad 2023 và đạt huy chương đồng, là thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua.

Dù câu chuyện đã khép lại với quyết định từ ban tổ chức cuộc thi, là thu hồi giải thưởng của nam sinh N.Q.U; cấm thầy Nguyễn Minh Trung (giáo viên Trường THPT Gia Định - người hướng dẫn 2 thí sinh Mai Chi và N.Q.U) không được gửi bất kỳ đề án nào cho cuộc thi Genius Olympiad 2024... nhưng trách nhiệm của các cá nhân liên quan, đặc biệt là thầy Nguyễn Minh Trung, vẫn là dấu chấm hỏi với dư luận.

img
img

Thông báo thu hồi giải thưởng từ ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad 2023. Ảnh: PHCC

Thầy giáo nhận trách nhiệm, xin lỗi, nhưng...

Trước khi Ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad 2023 đưa ra quyết định nêu trên, khi trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, thầy Nguyễn Minh Trung liên tục cảm thấy có lỗi với những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc. Thầy cũng liên tục nhận lỗi, xin lỗi vì cho rằng dù đúng hay sai, một khi đã làm ảnh hưởng đến cảm xúc của các em học sinh; uy tín của trường và ngành giáo dục, thì đó cũng chính là lỗi của bản thân.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho rằng thầy Trung đưa học sinh đi thi Genius Olympiad 2023 với tư cách cá nhân. Thầy Trung đã có quyết định của ngành giáo dục về việc được phép đi thi với tư cách cá nhân, kinh phí tự túc.

Vụ gian lận tại cuộc thi Genius Olympiad 2023: Không trung thực là mất tất cả? - Ảnh 2.

Thư của ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad gửi Trường THPT Gia Định: Ảnh: PHCC

Khi được chất vấn, nếu thầy Trung đi thi với tư cách cá nhân, tại sao ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad 2023 lại gửi thư mời cho Trường THPT Gia Định đưa đoàn các thí sinh tới Mỹ dự thi, cô Vân cho rằng, do khi đăng ký tài khoản, thầy Trung ghi đơn vị công tác là Trường THPT Gia Định.

Theo giải thích của cô Vân, ghi đơn vị công tác ở đâu thì sẽ được mặc định là đại diện cho đơn vị đó. Khi đã hoàn thiện đăng ký tài khoản để dự thi, ghi rõ đơn vị công tác... thì sẽ mặc định là thuộc đoàn của đơn vị đó. Do đó, đã dẫn đến những hiểu lầm. 

Tuy nhiên, thầy Trung sử dụng email cá nhân để thực hiện các quy trình này. Phía nhà trường đã kiểm tra và xác nhận.

"Thầy cũng không hiểu, không ý thức được những vấn đề đó là mấu chốt, gây hiểu lầm. Từ những hiểu lầm này, chúng tôi phải lật lại để xem việc đó như thế nào. Sai ở đâu chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý ở đó", cô Vân khẳng định.

Trong giáo dục, vấn đề trung thực là tối quan trọng

Là một chuyên gia có bản quyền rất nhiều cuộc thi quốc tế, Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), cho biết sự việc lùm xung xung quanh cuộc thi Genius Olympiad 2023, cho thấy sự trung thực là yếu tố tối quan trọng, nếu thiếu yếu tố này có thể sẽ mất đi tất cả.

Theo thầy Dũng, thực tế cho thấy cuộc thi Genius Olympiad không quá khó, tỷ lệ xét duyệt đề tài vào chung kết dễ (tùy từng năm, có khoảng 50% đề tài lọt vào vòng chung kết). Thí sinh cuộc thi này cũng phải đóng phí đăng ký, phí tham dự cuộc thi… 

Phần lớn các em tham dự cuộc thi chủ yếu để săn học bổng vào RIT (Viện Công nghệ đại học Rochester ở New York, Hoa Kỳ).

Vụ gian lận tại cuộc thi Genius Olympiad 2023: Không trung thực là mất tất cả? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu cho rằng cần giáo dục tính trung thực sau câu chuyện tại cuộc thi Genius Olympiad. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo thầy Dũng, ở một số cuộc thi quốc tế khác, việc được lọt vào vòng trong là vô cùng khó. Các quy trình kiểm duyệt cũng nghiêm ngặt, sẽ khó có chuyện "gian lận", hay "lách luật".

Trong vụ việc liên quan đến thí sinh Mai Chi và N.Q.U ở cuộc thi Genius Olympiad 2023, TS. Nguyễn Nam Dũng cho rằng, thầy Trung có nhiều điểm mập mờ, không rõ ràng, thiếu trung thực... Do đó, hậu quả là việc bị phản ứng từ phụ huynh và bị tước giải thưởng của học sinh. Đây là điều vô cùng nguy hiểm.

Về đề án mà hai thí sinh này dự thi đã được chứng minh là tương đồng đến 86%; giáo viên trong vụ việc khẳng định đưa ra ý tưởng, dàn bài, thậm chí hướng dẫn viết... Theo quan điểm của thầy Dũng, bất cứ đề tài, dự án, sản phẩm nào cũng phải xuất phát từ chính các bạn học sinh, là phải do ý tưởng của các em, do các em thực hiện.

Thầy cô chỉ là người phản biện để học sinh bảo vệ đề tài. Sẽ có những phản biện mang lại kết quả, giúp học sinh thay đổi; nhưng cũng có những phản biện được học sinh bảo vệ thành công và giữ nguyên ý tưởng của mình. Theo thầy Dũng, mục đích của các cuộc thi trên thế giới cũng hướng đến điều này.

"Trong giáo dục, vấn đề trung thực là tối quan trọng. Nếu mất đi yếu tố này, có thể sẽ mất tất cả. Học sinh Việt Nam cũng cần phải dạy nhiều về vấn đề bản quyền", thầy Dũng chia sẻ.

Từ lùm xùm ở cuộc thi Genius Olympiad, thầy Dũng cho rằng cần phải lên án, để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Điều quan trọng nhất cần làm là giáo dục học sinh về tính trung thực.

"Ở bất cứ cuộc thi nào hay bất cứ điều gì trong cuộc sống, sự trung thực vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Trong việc nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án riêng để dự thi, tính trung thực lại càng phải nâng cao, coi trọng", thầy Dũng nói.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Genius Olympiad là một cuộc thi quốc tế nhằm thúc đẩy sự hiểu biết toàn cầu về các vấn đề môi trường, thông qua các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghệ thuật, viết sáng tạo, kỹ thuật, thiết kế và phát triển kinh doanh.

Cuộc thi này dành cho các học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi (học từ lớp 9 đến lớp 12). Giúp học sinh trung học trên khắp thế giới đối phó với các vấn đề môi trường, khơi gợi khả năng của họ và đưa ra giải pháp; truyền cảm hứng cho học sinh trung học để bảo vệ môi trường; trang bị cho thế hệ trẻ bảo vệ môi trường.

Học sinh dưới 17 tuổi muốn tham dự cuộc thi này phải có người lớn đi kèm (giáo viên hay thành viên gia đình). Mỗi thí sinh tham dự cuộc thi này chỉ được trình bày một dự án trong vòng chung kết. Tối đa hai học sinh có thể trình bày một dự án khoa học, kinh doanh hoặc phim ngắn.

Tại địa chỉ website http://geniusolympiad.org, ban tổ chức cuộc thi này cũng công khai chi phí tham gia như phí đăng ký là 50 USD/dự án. Sau khi có danh sách được lọt vào vòng chung kết, thí sinh sẽ đóng tiếp 425 USD để xác nhận tham dự.