NATO thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện; Kỷ lục khí hậu liên tục bị phá; Gần 1.000 người bị bắt trong chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức lớn nhất ở Anh;... là những thông tin quốc tế nổi bật tuần qua.
Điểm tin thế giới tuần qua
Ngày 13/7, người phát ngôn quân đội Ukraine Valeryi Shershen cho biết Ukraine đã nhận bom chùm của Mỹ, chỉ một tuần sau khi Washington thông báo quyết định gây tranh cãi trên. Phát biểu trước truyền hình Ukraine, ông Shershen nói bom chùm "đã nằm trong tay lực lượng của chúng tôi", và không nêu thêm chi tiết liên quan.
Trước đó, vào ngày 7/7, sau nhiều tháng tranh luận, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố sẽ gửi bom đạn chùm cho Ukraine và đây là một phần trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine.
Bom chùm Mỹ gửi sang Ukraine có giống bom bi trong chiến tranh Việt Nam?
Quyết định của Tổng thống Biden đã bị nhiều nhà lãnh đạo phản đối bởi bom đạn chùm là thứ vũ khí bị hơn 120 nước, bao gồm 23 nước thành viên NATO, cấm, dựa trên Công ước năm 2008 về Bom đạn chùm.
Bom chùm là một loại vũ khí không ổn định và có tỉ lệ không phát nổ ngay cao. Ngòi nổ của mỗi quả bom con được kích hoạt khi nó rơi xuống đất, nhưng rất nhiều quả bom con trong đó không phát nổ và nằm im trong lòng đất. Những quả bom con không phát nổ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng thời hậu chiến, vì nó có thể gây thương vong cho dân thường khi vô tình giẫm phải.
Nếu được sử dụng, đạn bom chùm có thể mang lại cho Ukraine lợi thế tạm thời trên chiến trường. Nhưng khi xung đột vũ trang kết thúc, di sản chết chóc của loại vũ khí không phân biệt mục tiêu như thế này sẽ tồn đọng trong đất đai Ukraine rất nhiều năm tiếp theo.
Đáng nói, theo Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), trong quá khứ, bom bi, một dạng biến thể của bom đạn chùm, đã gây tổn hại cho đất nước, con người Việt Nam nhiều năm sau chiến tranh.