LTS: Báo Điện tử Dân Việt nhận được phản ánh của người dân về việc một số cán bộ điện lực hoặc mượn danh nghĩa cán bộ điện lực để tiếp tay cho việc cấp điện ba pha trái phép. Sau hơn một tháng tìm hiểu, PV Dân Việt ghi nhận: phía sau những khu vực vi phạm trật tự xây dựng sáng điện ngày đêm, là những cán bộ điện lực "gợi ý" tiền trăm triệu, tiền tỷ để nối dòng điện ba pha trái phép từ lưới điện vào các công trình này.
Có cán bộ tự nhận "làm sai luật, làm ngơ" cho những vi phạm trong địa bàn mình quản lý, miễn là người có nhu cầu cấp điện chịu chi. Loạt bài Điều tra của Báo Điện tử Dân Việt sẽ cung cấp thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng đấu nối điện ba pha không đúng quy định pháp luật tại những địa chỉ vi phạm trật tự xây dựng.
Có cán bộ tự nhận "làm sai luật, làm ngơ" cho những vi phạm trong địa bàn mình quản lý, miễn là người có nhu cầu cấp điện chịu chi.
Điện ba pha đấu nối trái phép từ khu vực đất nông nghiệp đến cả rừng phòng hộ (Bài 1)
Điện rực sáng ở những công trình xây trái phép trong rừng phòng hộ
Ở ngoại thành Hà Nội, khu vực rừng phòng hộ tại xã Minh Trí, xã Minh Phú (Sóc Sơn) nhiều năm nay nổi lên như một "điểm nóng" lấn chiếm đất rừng phòng hộ để xây dựng homestay, dựng lều phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng trái quy định.
Theo quan sát của PV Dân Việt, tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí có hàng trăm lều "mọc" như nấm dưới tán rừng thông, hàng chục homestay len lỏi giữa cánh rừng, tối đến bóng đèn điện được bật sáng choang cả góc rừng, tiếng nhạc vọng vào khe núi.
Dọc tuyến đường quanh hồ Đồng Đò, nhiều cột điện "còng lưng" gồng gánh hàng chục đường dây điện ba pha to gần bằng bắp tay người lớn, vằn vện cuộn vào nhau võng xuống cách mặt đường chỉ hơn một mét. Những đường dây này tỏa ra từ trạm điện rồi "bằng một cách nào đó" kéo đi thắp sáng cho các công trình xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ.
Ngày 14/7, làm việc với PV Dân Việt, ông Đinh Văn Bảo – Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) khẳng định: "Toàn bộ thôn Minh Tân được quy hoạch rừng phòng hộ, không được cấp điện cho các công trình xây dựng trái phép".
Ông Bảo cho hay, vừa qua địa phương tổ chức cưỡng chế khoảng 200 lều lán, sạp của 11 hộ dân xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ, trước khi cưỡng chế ngành điện phải cắt điện để đảm bảo an toàn.
"UBND xã cũng đề nghị ngành điện không cung cấp điện mới vào khu vực rừng phòng hộ, xử lý những hộ câu kéo điện của những hộ được cấp điện trước đó" – ông Bảo cho hay.
Trong vai người có nhu cầu đấu nối điện vào khu vực rừng phòng hộ, PV đã đến trụ sở Công ty Điện lực huyện Sóc Sơn để tìm hiểu. Nhân viên tại đây khẳng định: "Cấp điện trên đất lâm nghiệp để sinh hoạt hộ gia đình thì không cấp được, chỉ được cấp điện với mục đích trông, bảo vệ, quản lý rừng".
Nhưng trên thực tế, như đã nêu ở trên, điện sản xuất, điện sinh hoạt vẫn được đấu nối vào các công trình xây dựng trái phép trong quy hoạch rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn.
Kho, xưởng, trạm bê tông… trái phép vẫn được đấu nối điện ba pha
Báo Điện tử Dân Việt nhận được thông tin từ người dân, khu vực Ngõ 300 đường Nguyễn Xiển và đường Chu Văn An, đối diện Bệnh viện K, có hàng chục điểm nhà xưởng xây dựng trái phép được cấp điện. Trong vai những người muốn mở kho xưởng, cần điện ba pha để sản xuất, PV đã đến hiện trường tìm hiểu.
Một phụ nữ tự xưng là chủ của kho xưởng rộng 260m2 dựng trên đất nông nghiệp ở xã Tân Triều nói với chúng tôi: "Có thể cấp được điện ba pha ở đây".
Tháng 4/2023, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu tổng kiểm tra rà soát, đảm bảo an toàn sử dụng điện. Trong đó có nội dung yêu cầu xử lý vi phạm, ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với các trường hợp không đủ điều kiện, sử dụng điện không an toàn, sử dụng điện sai mục đích... Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì phối hợp Sở Xây dựng xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép, sai phép trên đất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp...
Bên cạnh đó, nhiều nhà xưởng, kho bãi, trạm trộn bê tông ở xã Tân Triều đã được cấp điện dù xây dựng trên đất dự án, đất nông nghiệp.
Còn tại phố Nguyễn Trác, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông một địa điểm đang là trạm đúc bê tông cùng nhiều container được cải tiến làm nhà ở nằm lọt thỏm trên bãi đất trống, cũng được cấp điện ba pha để sử dụng.
Đặc biệt tại khu đất được quy hoạch Công viên cây xanh ở phường Hà Cầu (Hà Đông) dù không được phép xây dựng nhưng nhiều nhà xưởng, kho, nhà hàng, gara ô tô xây dựng trái phép cũng được đấu nối điện.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, việc cung cấp điện ba pha cho các công trình vi phạm trật tự xây dựng thể hiện rõ nét nhất ở xã Hữu Bằng, xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất). Tại xã Hữu Bằng hiện được Công ty Cổ phần Tây Phương (đơn vị J2 của Công ty Điện lực Thạch Thất) cấp điện.
"Một hộ đứng ra ký hợp đồng cấp điện ba pha rồi về chia cho 18 hộ khác dùng" - một chủ xưởng chế biến gỗ nói thẳng với chúng tôi.
Dọc tuyến phố chính của xã Hữu Bằng có nhiều trạm điện, trong khuôn viên Ủy ban nhân dân xã Hữu Bằng cũng chằng chịt dây điện ba pha tỏa đi khắp nơi, mà điểm đến nhiều nhất là những nhà xưởng, nhà máy chế biến gỗ được xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhiều nhất là ngõ Thành Công, ngõ Hoa Sen, đường Hữu Bằng.
Dọc tỉnh lộ 420 thuộc địa phận xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất nhiều nhà xưởng trái phép cũng được cung cấp điện ba pha. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn được hứa hẹn sẽ được cung cấp điện ba pha "trong vòng một tuần" cho công trình xây dựng trên đất nông nghiệp.
Nhóm PV Dân Việt đã nhận được những lời tư vấn, gợi ý để được đấu nối điện ba pha cho công trình xây dựng trên đất nông nghiệp hay trong rừng phòng hộ từ chính những cán bộ khoác áo ngành điện lực.
Mức giá bao nhiêu để đấu nối điện ba pha cho công trình xây dựng trái phép? Dân Việt sẽ thông tin trong bài tiếp theo.
Điều 7. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 1. Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực. 2. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này. 3. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật. 4. Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện. 5. Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện. 6. Trộm cắp điện. 7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này. 8. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện. 9. Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện. 10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện. 11. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.
|