Ngày 15/7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 22, sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM đã đi qua nửa đoạn đường của Đại hội XI trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp.
"Đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả chưa từng có tiền lệ với những khó khăn, vướng mắc tồn tại ở bên trong của thành phố; tạo ra một thử thách quá lớn, cũng có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại.
Dù vậy, TP.HCM đã vượt qua đại dịch và qua đó nhìn thấy rõ nguồn lực nội sinh, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống nhân nghĩa.
Quan trọng hơn đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự chi viện của các địa phương, của đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế, "cả nước vì thành phố". Vì thế, Bí thư Thành ủy đề nghị hội nghị xem xét còn nguyên nhân nào nữa cần đánh giá, sâu sắc và toàn diện để có bài học kinh nghiệm quý giá trong thời gian tới.
Về lĩnh vực kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6 như: Tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển doanh nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...
Đặc biệt là tập trung đánh giá việc thực hiện các đột phá chiến lược về xây dựng hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội TP.HCM.
Về lĩnh vực văn hoá - xã hội, cần tập trung đi sâu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng chống dịch Covid-19 và chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới; xây dựng văn hoá, con người thành phố, xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" gắn với môi trường văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, lao động việc làm, an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững...
Đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hội nghị cần tập trung đi sâu công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới; bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh thông tin; phòng chống "diễn biến hoà bình", các loại tội phạm xuyên quốc gia và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch...
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, hội nghị cũng cần phải rà soát lại các mục tiêu lớn, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sát với thực tế của tình hình. Qua đó nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI; nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 34, Nghị quyết số 31 và Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.