Dân Việt

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cơ bản cho người mới bắt đầu

Bích Ngọc - Bùi Mai 17/07/2023 06:29 GMT+7
Thanh long đỏ là cây ăn quả được trồng phổ biến ở Việt Nam và là loại cây tương đối dễ trồng vậy nên bà con hoàn toàn có thể tự trồng tại vườn. Trong tuần này, bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu chi tiết cách trồng thanh long hiệu quả.

Tìm hiểu kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho người mới bắt đầu cùng Sổ tay Nhà nông

Thanh long là loại cây ăn quả thuộc họ xương rồng, phù hợp trồng ở nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Nhờ khí hậu thích hợp, cây thanh long rất dễ trồng và đem lại năng suất cao. Để trồng được vườn thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, bà con cần nắm vững những kỹ thuật trồng trọt cơ bản. Hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu kỹ thuật trồng thanh long trong tuần này nhé.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cơ bản cho người mới bắt đầu.

1. Làm đất

Cây thanh long chủ yếu được trồng trên đất cao, do đó canh tác đất là bước quan trọng để tạo môi trường giàu dinh dưỡng cho cây được sinh trưởng và phát triển. 

Việc làm đất cần được tiến hành kỹ lưỡng, đạt chuẩn tạo điều kiện cho cây giống có điều kiện phát triển tốt nhất. Chuẩn bị đất trồng cho thanh long ruột đỏ không quá cầu kì song cũng cần đảm bảo theo đúng yêu cầu.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cơ bản cho người mới bắt đầu - Ảnh 2.

Làm đất trồng thanh long. 

Sử dụng đất xốp kết hợp với việc bón lót, bón vôi bột khử trùng trước khi tiến hành trồng. Việc làm đất yêu cầu cần thực hiện trước thời điểm trồng khoảng 1 tháng. Bên cạnh đó, việc làm mô cần tiến hành cho từng gốc trồng là yêu cầu bắt buộc. Tiêu chuẩn của mô trồng có chiều cao khoảng 10 – 15cm và đường kích tiêu chuẩn là 60 – 80cm.

2. Tiêu chuẩn chọn cây giống

Để cây thanh long lớn lên khỏe mạnh và cho năng suất cao, bà con cần chọn các cành thanh long làm hom giống đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Tuổi trung bình từ 1 – 2 năm trở lên.

- Chiều dài tốt nhất là khoảng 50 – 70cm.

- Hom mập mạp, khỏe mạnh, có màu xanh đậm, các mắt mang chùm gai phải phát triển tốt, mẩy, tăng tỷ lệ nảy mầm chồi mới.

- Hom giống phải không có sâu bệnh.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cơ bản cho người mới bắt đầu - Ảnh 3.

Tiêu chuẩn chọn cây giống.

Đặt hom giống nơi thoáng mát trên nền đất, đợi khoảng 10 – 15 ngày hom bắt đầu ra rễ mới đem đi trồng.

3. Xuống giống

Sau khi đã có hom giống đạt chất lượng, bà con sẽ tiến hành xuống hom giống theo các bước:

Bước 1: Đặt 4 hom quanh 4 hướng của trụ vuông, lưu ý đặt cao hơn mặt đất khoảng 0,5cm để tránh tình trạng thối gốc.

Bước 2: Áp sát mặt phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ, dùng dây nilon hay dây vải buộc nhẹ hom vào trụ để cố định hom.

Bước 3: Tưới nhẹ ngay sau khi cố định hom, dùng rơm hay cỏ khô phủ quanh để giữ ẩm.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cơ bản cho người mới bắt đầu - Ảnh 4.

Xuống giống

Là giống cây chịu hạn tương đối tốt nhưng nếu để cây thiếu nước hoặc gặp nắng hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Bà con nên thường xuyên theo dõi độ ẩm của đất trồng để điều chỉnh nhịp độ tưới từ 3 - 7 lần mỗi ngày để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Trên đây là một số kỹ thuật trồng thanh long cơ bản cho người mới bắt đầu.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com