Sáng 17/7, tại phiên xét xử 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, chủ tọa Vũ Quang Huy cho tạm dừng để các bị cáo cùng luật sư của họ có thể giao nộp giấy tờ thể hiện khắc phục hậu quả vụ án. Việc này làm căn cứ cho Viện kiểm sát luận tội, đưa mức án đề nghị.
Vụ án có 25 người bị cáo buộc nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo 24,5 tỷ đồng.
Điều 354 Bộ luật Hình sự quy định, ai nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng sẽ đối diện án 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy vậy, Điều 40 Bộ luật này quy định không thi hành án tử hình với người nhận hối lộ nếu họ tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và chủ động nộp lại 3/4 tài sản bất chính.
Sau khi cho các bị cáo xuất trình tài liệu về nộp tiền, Viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội thể hiện, vụ án này có số bị cáo công tác ở nhiều bộ, ngành, địa phương; hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm; nhận hối lộ tinh vi và đặc biệt lớn, bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Xét xử vụ án thể hiện tính nghiêm minh, kịp thời nhằm giáo dục, phòng ngừa chung.
Về diễn biến vụ án, dịch Covid-19 gây ra hậu quả nặng về kinh tế, đời sống, tính mạng con người trên thế giới. Chính phủ do vậy tổ chức chuyến bay đưa 30 công dân từ Vũ Hán về nước. Tháng 11/2020, nhu cầu công dân về nước lớn nhưng kinh phí hạn chế nên Chính phủ cho tổ chức các "chuyến bay giải cứu", hơn 200.000 người từ 62 quốc gia về nước trên những chuyến bay như vậy.
Chủ trương đúng đắn, kịp thời nhận sự đánh giá cao, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án lại lợi dụng chủ trương tốt đẹp để trục lợi bằng cách tạo cơ chế xin cho, khiến giá vé về nước bị tăng cao; làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan Nhà nước; phản bội lại chính sự cố gắng của đồng chí, đồng đội mình.
Trong vụ có 21 bị cáo bị truy tố nhận hối lộ, quá trình điều tra, truy tố xác định họ nhận tiền của các doanh nghiệp để đề xuất, trình duyệt, duyệt, phát hành công văn cho các chuyến bay giải cứu.
Phần thẩm vấn, có bị cáo lập lờ, nói doanh nghiệp "cảm ơn" nhưng Viện kiểm sát đánh giá đây là: "Đánh tráo khái niệm nguy hiểm, tạo tiền lệ xấu cho xã hội nên cần nhận thức đúng, loại bỏ văn hóa phong bì ra khỏi xã hội".
"Các bị cáo làm việc, chức trách của mình nên không thể cảm ơn tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước; nhận tiền trong bối cảnh cả nước chắt chiu, quyên góp phòng chống dịch", lời kiểm sát viên.
Phía công tố cho rằng, nhóm nhận hối lộ được chia làm 2 dạng, thứ nhất, là yêu cầu, mặc cả về giá, buộc doanh nghiệp đưa tiền. Thứ 2, là nhóm gây khó khăn trong thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép để các doanh nghiệp đưa tiền theo "luật bất thành văn" mới được cấp phép.
Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm đặc biệt cho xã hội nên cần mức án nghiêm, nhưng Viện kiểm sát cho hay đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho họ.
Phía công tố do vậy đề nghị tòa phạt tử hình Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và cũng là người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án. Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng bị đề nghị từ 12 – 13 năm tù; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị từ 18 – 19 năm tù.
Cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội - bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bị đề nghị từ 6 – 7 năm tù về tội "Môi giới hối lộ", khi giúp 2 bị cáo đưa hơn 61 tỷ đồng chạy án nhưng bất thành.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra bị đề nghị từ 19 – 20 năm tù về hành vi lừa đảo, vì nhận 800.000 USD từ bị cáo Tuấn để chạy án dù không còn thẩm quyền.