Hiện nay mô hình trồng thanh long ruột đỏ đang ngày càng được nhân rộng vì hiệu quả kinh tế cao. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng thanh long thành phẩm và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân là quy trình nhân giống. Trong số phát sóng hôm nay, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ chia sẻ với bà con một số bí kíp nhân giống, để mô hình thanh long cho hiệu quả tốt nhất.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Bí kíp nhân giống cho thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả cao
Thanh long thuộc nhóm cây ưa ánh sáng, rễ bàng và ăn cạn nên đất trồng thanh long phải thông thoáng, không bị ngập nước vào mùa mưa, lũ. Cây không bị che ánh sáng mặt trời quá 30% diện tích chiếu sáng. Nước tưới cho cây tuyệt đối không nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Bên cạnh đó, để đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng của thanh long, bà con cần chuẩn bị trụ xi măng với chiều dài trụ khoảng 2m với các cạnh vuông có kích thước từ 12 đến 15cm. Trụ được chôn sâu 0,5- 0,6m.
Bà con khi chuẩn bị hom cần chọn những hom dài 30 - 40cm, chọn các cành to, khỏe, thẳng, không bị sâu bệnh, tuổi cành trên 6 tháng. Đáy hom (dài 3 - 5cm) được cắt bỏ phần thịt bên ngoài, để lại phần lõi, nhằm tránh thối hom giống, sau đó nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm như Benlate C, nồng độ 0,1% trong 5 phút. Hom có thể được giâm trước khi trồng trong vùng che bớt ánh sáng tới khi cành ra rễ và đâm chồi mới hoặc có thể trồng thẳng ngoài đồng.
Trên đất cao, trước khi đặt hom bà con làm âm xuống một khoảng quanh trụ có cạnh độ 1,0 – 1,5m, sâu 20 – 30 cm, rồi bón lót độ 10 kg phân chuồng + 0,5 kg Super lân.
Trên đất thấp phải lên mô trước khi trồng, xới đất và rải phân quanh mô. Đặt từ 3 – 4 hom quanh cây chống (trụ). Cần chú ý: Đặt hom cạn 0 – 5 cm để tránh thối gốc do đất ẩm, đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ. Cột hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ trên không chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom, ở các vùng đất cao hễ đất khô và hết mưa thì cần ủ gốc để giữ ẩm,…
Sang năm thứ 2 bà con chỉ tỉa nhẹ khi cần để tạo tán hình cây dù. Tới cuối năm thứ 3 mỗi trụ có thể có tới 100 cành, với lượng cành này phân bố trên đầu trụ dày đặc. Một số cành già đã cho trái trong những năm trước nếu giữ lại sẽ không cho trái hoặc cho trái nhỏ. Tỉa cành giúp thông thoáng tán cây và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới. Sau tỉa, cành non sẽ đâm ra mạnh hơn.
Trên đây là một số lưu ý khi nhân giống thanh long.
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com