Video đình Hàng Thiếc nằm trong một con ngõ nhỏ. Thực hiện: Kim Thư.
Phố Hàng Thiếc hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhưng tiếng búa gõ, tiếng gò hàn vẫn đều đều, nó gắn liền với người dân con phố này. Những người thợ nơi đây ngày ngày tạo ra những sản phẩm thiết thực trong đời sống của người dân.
Nghề làm hàng bằng thiếc vốn là một trong những nghề thủ công phát triển từ thời Lê. Sản phẩm của làng nghề mang dấu ấn đặc trưng của thời đại và đời sống dân sinh. Vì vậy mà tên nghề đã trở thành tên phố.
Sinh ra trong gia đình với 4 đời theo nghề, năm nay đã ở tuổi ngoài 70, ông Bình vẫn gắn bó với phố, với nghề, với những sản phẩm của nghề truyền thống. Không biết rõ về lịch sử hình thành nghề và phố nghề nhưng ông Bình vẫn nhớ những câu chuyện về nghề, phố nghề qua lời kể của ông, cha.
"Phố Hàng Thiếc vốn là phố của thợ thủ công chuyên nghề đúc thiếc. Sau này các nhà dọc phố Hàng Thiếc còn làm cả sắt. Bởi vậy, khi Pháp chiếm Hà Nội, người ta gọi là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây), còn ta vẫn quen gọi tên phố cũ phố theo nghề truyền thống Hàng Thiếc", ông Bình kể.
Những mặt hàng bày bán trên phố hiện nay chủ yếu sản xuất ở thôn Phú Thứ, phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài ra, trên phố còn nhiều hộ gia đình vừa sản xuất vừa kinh doanh với số lượng nhỏ, sản xuất đơn chiếc.
Thậm chí, để phục vụ thị trường các hộ kinh doanh trên phố Hàng Thiếc phải nhập thêm những mặt hàng khác. Chị Nguyễn Thị Liên, một hộ kinh doanh ở số 33 Hàng Thiếc chia sẻ: "Bên cạnh sản phẩm thủ công tự sản xuất, các hộ kinh doanh cũng nhập mặt hàng ngoài về bán vì các sản phẩm nhập về phong phú, giá bán phải chăng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng".
Không chỉ đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống như các làng nghề thủ công khác, hiện nay người dân phố Hàng Thiếc vẫn đau đáu việc khôi phục lại nhà thờ ông tổ nghề.
Hiện nay, nằm sâu trong con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 người qua là Đình Hàng Thiếc. Đình chỉ còn một ban thờ nhỏ dưới gốc đa cổ thụ được bao quanh bởi nhà của hơn hai chục hộ dân tại ngõ 2, phố Hàng Nón (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
"Theo các như các cụ kể lại, đình Hàng Thiếc thờ Thánh sư - vị thần sinh ra nghề thiếc. Do những người thợ nghề chung tiền mua đất xây, gọi là Đình Đông Thổ, tên chữ là "Đông Thổ Cổn Y". Ngôi đình xưa, nay chỉ còn lại dấu tích một ban thờ nhỏ", ông Bình cho hay.
Điều duy nhất để xác định Đình Hàng Thiếc tại địa chỉ số 2 phố Hàng Nón là bức hoành phi 4 chữ "Đông Thổ Cổn Y".
Bà Nguyễn Thị Sinh kể, trước năm 1954, khu vực Hàng Thiếc, Hàng Nón từng là nơi bị chiến tranh tàn phá. Sau chiến thắng 1954, những nhà bị chiến tranh tàn phá đều được xây dựng lại hay sửa chữa.
"Hơn 60 năm trước, khi gia đình và một số hộ dân chuyển về sinh sống thì ngôi đình chỉ còn là phế tích. Ban thờ dưới gốc đa bây giờ cũng do người dân ngõ 2 lập", bà Sinh nói.
Thời gian đầu gia đình bà Sinh về sinh sống, khu vực Đình Hàng Thiếc là kho cho Nhà nước, sau này là trường học, và hiện nay là nơi sinh sống của hơn 20 hộ dân mà chủ yếu là người từ nơi khác đến.
Vốn là người Hàng Thiếc, nhưng ông Bình cũng chẳng thể biết đình thờ được xây dựng như thế nào, có hình dáng ra sao, ngày giỗ tổ nghề là ngày nào. Ông chỉ nhớ rằng, ngày xưa được đi học trong đình. "Nay, đình thờ không còn, chỉ còn 1 ban thờ nhỏ nên mỗi dịp lễ, Tết người dân mới lễ sang thắp hương", ông Bình chia sẻ.
Tâm sự với phóng viên, ông Bình cho biết thêm đã nhiều lần người dân Hàng Thiếc muốn khôi phục lại Đình thờ tổ nghề nhưng "không thể khôi phục vì đây đang là nơi sinh sống của hơn 20 hộ dân".