Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công 1 ca u não khó nhờ có hệ thống cảnh báo nguy hiểm.
Bệnh nhân là ông Tô Ngọc Q. (65 tuổi, trú tại phường Cao Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh). Khoảng 6 tháng trước đây, ông Q. xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, ù tai được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thăm khám.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, bệnh nhân Q. có khối u ở góc cầu tiểu não bên trái, kích thước 3x4cm.
Các bác sĩ nhận định đây là ca u não khó và phức tạp do khối u vị trí góc tiểu cầu não trái chèn ép, xâm lấn vào các vùng chức năng và dây thần kinh quan trọng, trong đó có dây thần kinh số 7 và số 8 (dây thần kinh liên quan đến giác quan và vận động).
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, khối u góc tiểu cầu não trái của bệnh nhân Q. có kích thước tương đối lớn, đã chèn ép vào dây thần kinh số 7, số 8 nên việc phẫu thuật bóc tách u vô cùng phức tạp.
Trước đây, những trường hợp như của bệnh nhân Q. tỷ lệ di chứng sau mổ rất cao, nhiều người lựa chọn ra nước ngoài phẫu thuật.
Hiện nay với sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy định vị thần kinh, cảnh báo phẫu thuật thần kinh, nhiều bệnh nhân u não đã được phẫu thuật an toàn và không để lại di chứng sau mổ.
Các kỹ thuật này đã được ứng dụng tại Bệnh viện Việt Đức và một số bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương và mới được ứng dụng tại Bệnh viện Quảng Ninh.
Theo bác sĩ Dũng, phẫu thuật bóc tách khối u này là một thách thức bởi u xâm lấn các dây thần kinh không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ cần sơ suất nhỏ xảy ra có thể gây tổn thương, nguy cơ biến chứng cao.
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống của Bệnh viện Quảng Ninh đã hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Việt Đức quyết định phẫu thuật bóc tách u góc tiểu cầu kết hợp ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ tiên tiến.
Sau khi được bác sĩ tư vấn tận tình, bệnh nhân và gia đình tin tưởng, quyết định phẫu thuật lấy u não tại đây.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương, kíp bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành mở xương sọ, màng cứng, sau đó sử dụng kính vi phẫu phẫu tích đi vào khối u góc cầu tiểu não trái.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị dẫn đường Navigation và hệ thống cảnh báo thần kinh, phẫu thuật viên khéo léo lấy khối u ra ngoài an toàn, bảo tồn nguyên vẹn vùng não lành và dây thần kinh quan trọng. Với sự nỗ lực của toàn bộ ê-kíp, cuộc mổ diễn ra thuận lợi, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Sau mổ, bệnh nhân tiến triển tích cực, tỉnh táo, không nôn, đau ít vết mổ và đã vận động nhẹ nhàng.
“Để thực hiện phẫu thuật lấy u não cho bệnh nhân Q, ngoài kính vi phẫu và hệ thống định vị Navigation thì chúng tôi còn sử dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ tiên tiến nhất hiện nay.
Thiết bị này có nhiều ưu điểm vượt trội, hệ thống sẽ cảnh báo bằng tín hiệu nếu phẫu thuật viên trong quá trình bóc tách u tiến sát gần hay chạm phải dây thần kinh số 7 và số 8, giúp kíp mổ không phạm phải 2 dây thần kinh này trong suốt cuộc mổ diễn ra.
Nhờ đó sẽ đảm bảo cuộc mổ an toàn, hạn chế những biến chứng nguy hiểm, người bệnh mau phục hồi”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Theo bác sĩ Dũng, hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ là một thiết bị công nghệ hiện đại, giúp phẫu thuật viên kiểm soát chặt chẽ đường đi của dụng cụ mổ, thăm dò cảnh báo khi đến vùng giáp ranh nguy hiểm thông qua hệ thống phản hồi tín hiệu theo thời gian thực trong suốt quá trình mổ diễn ra.
Qua đó sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ va chạm dẫn tới tổn thương dây thần kinh quan trọng.
Khi các dây thần kinh bị kích thích bởi các tác động ngoại lực, hệ thống này sẽ phát các tín hiệu cảnh báo ở các mức độ khác nhau để phẫu thuật viên kịp thời định hướng lại đường mổ trong quá trình bóc tách u.
Kỹ thuật mới hạn chế tối đa tổn thương thần kinh sau phẫu thuật lấy u não, giúp cuộc mổ chính xác và an toàn, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.