Từ đầu mùa nắng nóng 2023 đến nay, tại tỉnh Quảng Bình đã có 2 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Gần đây nhất, trường hợp của anh N.T.H (SN 1974, ở phường Đồng Hới, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) tử vong hôm 13/7. Trước đó, ngày 21/5, bé gái sinh năm 2020 (ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng tử vong do chó dại cắn.
Cả 2 trường hợp này đều không tiêm vaccine phòng dại khi bị chó cắn và nhập viện khi bệnh dại đã phát nặng.
Liên quan tới sự việc trên, bác sĩ Huỳnh Công Hùng - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Bình) cho biết, ngay khi nhận được thông tin, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới, Trạm Y tế phường Đồng Sơn điều tra dịch tễ kỹ càng. Đồng thời, cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt, việc phát hiện súc vật nghi ngờ bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc cho người nhà hiểu, không hoang mang, lo lắng thái quá.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm, do vi rút dại gây ra và có thể lây từ động vật có vú (chó, mèo, dơi, chuột, thỏ, gấu trúc, chồn, cáo, chó sói …) sang người thông qua nước bọt của động vật có mang vi rút dại dẫn đến nhiễm trùng não và thần kinh trung ương một cách nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.
Điều cần lưu ý là chó con dù bị nhiễm vi rút dại nhưng vẫn sống bình thường nhưng nước bọt của chúng có chưa vi rút dại nên khi chúng ta vô tình cho trẻ em chơi đùa, để cho chó liếm vào da, nhất là nơi có vết thương hở rất dễ bị nhiễm vi rút dại mà không hay biết. Khi đã lên cơn dại do chó dại cắn (kể cả động vật) đều dẫn đến tử vong.
Người dân cần lưu ý, ngay sau khi bị động vật cắn, liếm hay cào xước, cần rửa vết thương ngay lập tức bằng nước sạch cùng với các dung dịch có thể tiêu diệt vi rút dại, như: Xà phòng, povidone iodine… rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị vết thương cũng như tiêm vắc xin phòng dại.
Trường hợp vết thương gần thần kinh trung ương (vùng đầu, mặt, cổ) hoặc biết chắc chắn là chó dại cắn, sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh chống bệnh dại. Nên người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì việc ngăn chặn sự khởi phát triệu chứng và tử vong của bệnh dại sẽ càng có hiệu quả cao.
Ông Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: "Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Bệnh dại không phát ngay mà ủ bệnh từ 30 - 90 ngày và có thể dài hơn.
Vết thương càng nặng, càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn; nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, thì "quãng đường" di chuyển của vi rút lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn. Cho tới nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ".