Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ khảo sát tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và làm việc với huyện Tây Sơn, Bình Định.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết, giai đoạn 2021- 2025, huyện Tây Sơn đang thực hiện 3 chương trình gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Tổng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho huyện Tây Sơn là hơn 83 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân đến nay hơn 39,5 tỷ đồng, đạt 47,1%, trong đó giải ngân vốn đầu tư phát triển hơn 30 tỷ đồng, đạt 59,15%; giải ngân vốn sự nghiệp hơn 9,5 tỷ đồng đạt 28,68%.
Quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở nguồn vốn của các chương trình được trung ương phân bổ, vốn đối ứng ngân sách tỉnh, cùng với nguồn vốn ngân sách của địa phương, vốn xã hội hóa đã góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhờ đó, thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư hoàn thiện.
Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị; người dân được tăng cường tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật nên thay đổi tư duy nhận thức và được tập huấn, hướng dẫn, tham quan học tập các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả...
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đề xuất cần có thêm cơ chế phân cấp trong việc thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và tháo gỡ các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tôi xuống máy bay ở Bình Định buổi tối, có những góc nhìn cảm giác như đang ở Singapore vậy, giữa biển, cao ốc, đèn đóm và đặc biệt là sự vui vẻ, sung túc của người dân, khách du lịch đi chơi đêm ở đường bờ biển Quy Nhơn", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, với tư cách là một người trở lại Bình Định sau gần 20 năm.
Phó Thủ tướng nói rằng, ông thấy rất mừng vì đây chính là sự nỗ lực trải qua nhiều thế hệ và vui hơn, khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình kinh tế - xã hội, có sự chuyển biến, với những kết quả rất tích cực.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chuyến khảo sát thực tiễn lần này nhằm tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở cuộc sống từ cơ sở để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chương trình, dự án đang triển khai.
Phó Thủ tướng cho biết, ông cảm nhận được nhiều đổi thay trên quê hương Bình Định sau nhiều năm trở lại mảnh đất anh hùng này. Nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều chỉ số cốt lõi thể hiện sự phát triển của tỉnh đều có bước cải thiện rõ nét, thể hiện nỗ lực vươn lên của tỉnh.
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Phó Thủ tướng cho rằng tổng nguồn vốn bố trí cho tỉnh Bình Định thực hiện 3 chương trình chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Vì thế Bình Định phải chắt chiu, huy động thêm các nguồn vốn của địa phương để thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món, tránh manh mún, dàn trải. Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình MTQG vì thời gian không còn nhiều.
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, có thể sẽ có cách tiếp cận khác hiện nay. Theo đó, địa phương nào giải ngân nhanh, hiệu quả có thể được phân bổ vốn nhiều hơn, mới tạo được động lực thi đua trong việc thực hiện các chương trình MTQG.
Các văn bản hướng dẫn ban hành trong thời gian tới sẽ chú trọng phân cấp tối đa cho các địa phương.
"Thời gian tới, chúng tôi định hướng sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cho cơ chế để địa phương chủ động trong việc triển khai các chương trình mục tiêu hiệu quả, phù hợp tại từng địa phương", Phó Thủ tướng nêu rõ.