Dân Việt

Góc nhìn pháp lý sau khi công bố clip cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận chiếc cặp nghi đựng 450.000 USD

Quang Minh 21/07/2023 15:44 GMT+7
Theo luật sư, trường hợp trong chiếc vali chứa tiền, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các thủ tục xác minh, làm rõ động cơ, mục đích số tiền mà bị cáo nhận…

Sáng 21/7, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ "Chuyến bay giải cứu", đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại các quan điểm, luận cứ gỡ tội của các bị cáo và luật sư bào chữa. Tại tòa, một trong những nội dung đáng chú ý là việc công bố video clip bị cáo Hưng nhận chiếc cặp nghi đựng 450 nghìn USD.

Cùng với việc công bố clip, đại diện VKS cũng nêu ra nhiều tình tiết cho thấy sự vô lý trong lời khai của bị cáo Hoàng Văn Hưng. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng: "Bị cáo tráo trở, dối gian. Tại tòa, các bị cáo Tuấn, Hằng cũng nói Hưng tráo trở, dựng chuyện là có lý do, hoàn toàn đúng".

Cáo trạng thể hiện, Hoàng Văn Hưng nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Thiếu tướng, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội. Lý do, Hưng là điều tra viên thụ lý chính vụ chuyến bay giải cứu trong giai đoạn trước tháng 9/2022. 

Anh ta nhận tiền để chạy án cho các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn nhưng do bị chuyển công tác nên không còn thẩm quyền. Bị cáo Hưng tuy vậy vẫn chiếm đoạt 800.000 USD và bị cáo buộc lừa đảo.

Góc nhìn pháp lý trong trường hợp chiếc vali đựng 450.000 USD - Ảnh 1.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại tòa. Ảnh: Gia Bình.

Luật sư Ma Văn Giang, Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, có thể thấy, đại án "Chuyến bay giải cứu" đang được đông đảo mọi người và cả xã hội quan tâm vì các bị cáo trong vụ án là người có chức vụ quyền hạn, địa vị trong xã hội được giao nhiệm vụ thực hiện một số công việc để hỗ trợ hay còn gọi là "Giải cứu" công dân Việt Nam tại nước ngoài về nước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Tuy nhiên, các đối tượng đã lợi dụng chức năng, nghiệm vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cá nhân trong khi người dân đang khốn khổ vì phải nghỉ việc do dịch bệnh gây ra điều này gây ra sự phản cảm, nhức nhối trong quần chúng nhân dân và làm mất niềm tin của người dân vào cơ quan Nhà nước. 

Hiện vụ án đang được Toà án đưa ra xét xử công khai, trong phần luận tội của Kiểm sát viên có nội dung: "Về lần nhận tiền cuối cùng 450.000 USD, Kiểm sát viên cho hay Hoàng Văn Hưng từng khai không nhận gì của ông Tuấn. Đến khi có video trên, Hưng mới nói có nhận chiếc cặp nhưng bên trong là 4 chai rượu vang, không phải tiền hay USD. Trong khi đó cơ quan chức năng vẫn buộc tội Hưng nhận tiền…"

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Giang, trường hợp trong chiếc vali chứa tiền, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục xác minh, làm rõ động cơ, mục đích số tiền mà bị cáo nhận. 

Nếu xác định được số tiền mà bị cáo nhận nhằm để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì đây là vật chứng của vụ án được quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và cơ quan điều tra sẽ yêu cầu người nhận tiền nộp lại số tiền trên.

Theo đó, vật chứng là số tiền do bị cáo phạm tội mà có sẽ được xử lý theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.

Trường hợp, cơ quan điều tra xác minh được đúng hành vi bị cáo nhận tiền để thực hiện "Chạy án" cho người khác nhưng sau đó không thể thực hiện được, bị cáo vẫn hứa hẹn thực hiện được để nhận tiền thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Góc nhìn pháp lý trong trường hợp chiếc vali đựng 450.000 USD - Ảnh 3.

Luật sư Ma Văn Giang, Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Đối với tội danh này, tùy theo giá trị tài sản mà người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt của người khác sẽ bị áp dụng hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, mức cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, người nhận tiền là người có chức vụ quyền hạn, là người phải thi hành công vụ mà có hành vi nhận tiền từ người khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa tiền thì có thể cấu thành tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; cao nhất là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.