Bệnh nhân là nam, 44 tuổi, trú tại TP. Cao Bằng, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng này sau khi hút thuốc lá điện tử.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử, kíp trực nhanh chóng chuyển người bệnh vào khoa Cấp cứu xử trí và theo dõi điều trị. Hiện bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Theo bác sĩ Đỗ Tiến Anh, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng), hiện nay, chưa có xét nghiệm nào đặc hiệu để xác định bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử.
"Các bác sĩ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử và kinh nghiệm chuyên môn. Có một số bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại khoa có tình trạng bệnh nguy hiểm.
Điều trị ngộ độc cấp thuốc lá điện tử thường theo triệu chứng. Còn liên quan đến ngộ độc mãn tính thì cần sự tư vấn của các chuyên gia bác sĩ tâm thần", bác sĩ Tiến Anh chia sẻ.
Bác sĩ Tiến Anh cũng cho biết, thuốc lá điện tử hoạt chất chính là nicotin, đây là chất có thể gây nghiện, gây sảng khoái, kích thích, hưng phấn mức độ nhẹ, nhưng dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn có các loại hoạt chất khác như chất bảo quản, phụ gia gây mùi thơm.
Khi các chất này được đun nóng hóa hơi sẽ phát tán sâu vào cơ thể, đặc biệt là lá phổi, gây ra các bệnh lý về phổi nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm não bộ tổn thương do tiếp xúc với chất kích thích kéo dài, nhất là đối với học sinh, trẻ vị thành niên.
Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine vào cơ thể và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
"Nếu thấy người bệnh sau khi hút thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, ở trạng thái lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe... cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm để được cấp cứu và điều trị kịp thời", bác sĩ Tiến Anh khuyến cáo.
"Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) đều có chứa các thành phần hoá chất rất độc hại cho sức khoẻ, nhiều hoá chất tương tự như thuốc lá truyền thống, nhiều hoá chất khác với thuốc lá truyền thống.
Chất nicotine trong các sản phẩm này là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng sẽ trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, đồng thời việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma tuý và các chất gây nghiện khác.
Nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).
Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.
Nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và đây là con đường dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác bao gồm cả hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu bia, ma tuý,…
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.
Các phân tích về phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá điện tử cũng cho thấy: người không hút thuốc khi phơi nhiễm thụ động với hơi thuốc lá điện tử hấp thu lượng nicotine tương đương với khi phơi nhiễm với khói thuốc thông thường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử đều độc hại đối với sức khoẻ và cho đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới mà chúng ta đã phân tích ở trên"
PGS.TS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai