"Cảm nhận của tôi về Google đã thay đổi khá sâu sắc", Clint Choi, một nhà tiếp thị 26 tuổi ở London cho biết. "Khi tôi mới bắt đầu tiếp cận internet, Google là công cụ tra cứu mọi thứ. Nhưng công ty mẹ của Google đã đặt nhầm niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi không còn coi Google là trung tâm về tìm kiếm nữa".
Thực tế, Google vẫn đang thống trị lĩnh vực tìm kiếm. Nền tảng này hiện nắm giữ 90% thị trường công cụ tìm kiếm, theo SimilarWeb. Song càng ngày, người dùng, đặc biệt là thế hệ Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) càng phàn nàn về nền tảng và có dấu hiệu giảm sút.
Theo công ty nghiên cứu eMarketer, tỷ lệ doanh thu quảng cáo trong trang tìm kiếm của Google ở Mỹ dự kiến giảm xuống 54% trong năm nay từ mức 67% trong năm 2016.
Năm 2021, TikTok đã nhanh chóng truất ngôi Google để trở thành miền phổ biến nhất thế giới. Khoảng 40% Gen Z thích khám phá thông tin trên các nền tảng khác ngoài Google, theo dữ liệu được trình bày vào năm ngoái bởi phó chủ tịch cấp cao Prabhakar Raghavan của Google.
Lý do Google bị người dùng quay lưng
Trên một loạt tweet và video TikTok xu hướng, nhiều người dùng đã chia sẻ phàn nàn về sự suy giảm tiện ích của Google, đồng thời trao đổi về các công cụ tìm kiếm thông tin đáng tin cậy hơn. Bản thân Google cũng nhận thức được vấn đề này và gần đây đã công bố một loạt bản cập nhật cho dịch vụ.
Tuy nhiên, những thay đổi này không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề. Khi Google tăng cường các tùy chọn quảng cáo, những kết quả tìm kiếm hữu ích sẽ bị đẩy xuống dưới để nhường chỗ cho quảng cáo. Nền tảng cũng bị ảnh hưởng bởi nội dung SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm) rác. Những thứ này thường do AI tạo ra và chứa đầy thông tin kém chất lượng, nhưng được thiết kế phù hợp để được xếp hạng cao trên Google.
Một loạt vấn đề trên là lý do khiến hệ thống hiển thị kết quả của Google trở nên kém chất lượng. Thậm chí, một số kết quả tìm kiếm hàng đầu trên nền tảng là lừa đảo chứ không phải kết quả phù hợp nhất.
"Nội dung của Google rất giống với những gì Google muốn bạn thấy hơn là kết quả tìm kiếm phù hợp", giám đốc điều hành Ed Zitron của công ty quan hệ truyền thông EZPR nhận định. "Google đã hoàn toàn thất bại trong vai trò quản lý web... Gần như là bạn phải lừa Google để có được thông tin bạn muốn".
Quay lưng với Google, người dùng sẽ chọn tìm kiếm thông tin bằng gì?
Trước đây, Google là công cụ tìm kiếm thông tin chủ yếu trên internet. Nhưng bây giờ, ngày càng có nhiều người dùng thích khám phá nội dung trên các nền tảng xã hội khác như TikTok, YouTube, Instagram,...
Sid Raskind, một người sáng tạo nội dung ở Los Angeles, đồng ý với điều này. Khi tìm kiếm thông tin, nhiều khả năng anh sẽ tìm kiếm nội dung trên TikTok. Anh cho biết: "Việc xem nhanh một điều gì đó diễn ra trên TikTok sẽ dễ dàng và dễ hiểu hơn so với việc sàng lọc nhiều thông tin để tìm kiếm câu trả lời". Diễn giả truyền cảm hứng Gigi Robinson cũng có quan điểm tương tự: "Mọi người thích xem video hơn là đọc một bài báo".
Giáo viên lịch sử Alex Stevens ở tiểu bang Wisconsin cho biết ngày càng có nhiều học sinh của ông không thể tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Google nữa. Thay vào đó, họ tìm kiếm thông tin dưới dạng video, thường là trên YouTube hoặc TikTok.
"Chúng mong đợi Google hoạt động giống như Chat GPT", ông nói. "Học sinh không phân biệt được các nguồn đáng tin cậy hoặc nguồn hữu ích. Chúng muốn có một câu trả lời cụ thể thay vì phải phân tích hoặc tổng hợp một mớ thông tin để đưa ra câu trả lời".
Phản ứng của Google
Để điều hướng sự thay đổi này, Google đã bắt đầu tích hợp trực tiếp vào kết quả tìm kiếm nhiều nội dung hơn từ các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok. Bên cạnh đó, Google cũng thông báo rằng sẽ sớm tung ra một số bản cập nhật liên quan đến AI cho chức năng tìm kiếm, cung cấp cho người dùng câu trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên được viết rõ ràng bởi AI khi tra cứu.
Nhưng trong một thế giới mà người dùng ngày càng coi trọng tính xác thực, những bản cập nhật này có thể không đủ ảnh hưởng đến người dùng. "Điều mọi người mong đợi bây giờ là trải nghiệm xác thực như trên TikTok", Sarah Latoza, giám đốc chương trình kỹ thuật, người đã làm việc trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến 15 năm, cho biết.
Những người đã rời bỏ Google nói với tờ Washington Post rằng họ không có ý định quay lại nền tảng. Tuy xu hướng người dùng rời Google đến nay chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ, nhưng nếu không thay đổi, công cụ tìm kiếm này sẽ càng mất nhiều người dùng hơn.