Camera an ninh AI được nghiên cứu phát triển sau một năm vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng như 3 tháng sau vụ ám sát bất thành Thủ tướng mới Fumio Kishida của Nhật Bản. Nhằm tăng cường an ninh, công nghệ này sẽ được sử dụng để bảo vệ những nhân vật nổi tiếng ở Nhật.
Ngày 8/7/2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn từ phía sau khi đang phát biểu vận động trên đường phố thành phố Nara, tỉnh Nara, miền tây nước này. Vụ ám sát đã gây chấn động Nhật Bản, nơi hiếm khi xảy ra tội phạm sử dụng súng.
Tháng 4 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đối mặt với một vụ ám sát bất thành khi một tiếng nổ lớn cắt ngang bài phát biểu của ông tại thành phố cảng Wakayama. Ông Kishida sau đó được lực lượng an ninh sơ tán an toàn.
Theo tờ Nikkei Asia báo cáo, các camera được trang bị AI có thể giúp phát hiện hành vi đáng ngờ, bổ sung cho các biện pháp an ninh hiện có.
Các camera sẽ tập trung vào nhận dạng mẫu máy học của ba loại phát hiện. Trong đó, loại "phát hiện hành vi" sẽ phân tích chuyển động của một người. Loại "phát hiện đối tượng" có khả năng phát hiện các vật thể như súng và vũ khí. Loại "phát hiện xâm nhập" dùng để bảo vệ các khu vực bị hạn chế.
Công nghệ AI tích hợp trong camera sẽ được đào tạo tính năng phát hiện hành vi bằng cách quan sát các mẫu cá nhân khả nghi. Nhờ đó, nó có thể phát hiện các chuyển động bất thường (chẳng hạn như liên tục nhìn xung quanh) của đối tượng. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản hy vọng công nghệ phát hiện hành vi này sẽ giúp phát hiện hành động đáng ngờ của các tội phạm đơn lẻ trong đám đông lớn.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đặt mục tiêu bắt đầu thử nghiệm vào khoảng trước tháng 3/2024. Trong quá trình thử nghiệm, cơ quan sẽ kiểm tra tính chính xác và sau đó sẽ xem xét khả năng đưa hệ thống vào sử dụng chính thức.
Nhật Bản đã phổ biến việc sử dụng camera để tăng cường an ninh trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Vào tháng 2, PetaPixel báo cáo về một chuỗi nhà hàng Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng camera AI để chống lại làn sóng "khủng bố sushi" bao trùm đất nước.