TS, bác sĩ Phan Bá Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguyên nhân bị đứt dây chằng chéo khớp gối rất đa dạng, có thể đến do tai nạn, chấn thường bởi các hoạt động thường ngày.
Chủ yếu là do tác động gián tiếp, thường do chấn thương trong khi chơi thể thao như chân bị xoắn vặn đột ngột trong khi đang chạy, bàn chân bị cố định đột ngột do sa chân xuống hố hoặc bị người khác giẫm vào (đá bóng).
Cũng có thể do người chơi xoay người chuyển hướng quá nhanh (tennis), hoặc do nhảy cao rồi rơi xuống tiếp đất trong tư thế chân không thuận hoặc trụ chân không chuẩn (bóng chuyền, bóng rổ).
Một số người bị chấn thương trực tiếp do va chạm vào vùng gối hay gặp trong tình huống cản bóng (bóng đá) hoặc do tai nạn giao thông.
Theo TS Hải, sau va chạm, nhiều bệnh nhân có thể nghe hoặc cảm nhận thấy tiếng “rắc” ở gối ngay sau chấn thương, sau đó là đau và sưng nề khớp gối.
Sau 1 thời gian sau khi hết đau và sưng nề khớp gối, người bệnh có thể đi lại bình thường nhưng sẽ thấy lỏng gối, thể hiện bởi những triệu chứng:
+ Cảm giác chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại.
+ Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng, thỉnh thoảng đang đi bị trẹo gối.
+ Đi lên đi xuống cầu thang khó khăn, cảm giác rất sợ khi phải đặt chân bị chấn thương xuống trước.
+ Nếu cố gắng chơi thể thao trở lại, người bệnh không thể hoặc rất khó để trụ bên chân chấn thương, không thể chạy nhanh hoặc chạy theo hình chữ chi, đôi khi đang chạy người bệnh tự ngã mặc dù không có va chạm.
Sau một thời gian đi tập tễnh, khó di chuyển, bệnh nhân sẽ có hiện tượng teo cơ. Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, nhất là mặt trước do teo cơ tứ đầu đùi, đây là hậu quả của đau, lỏng gối nên người bệnh không vận động chân bị chấn thương, khi đi lại chủ yếu tỳ đè bên chân lành, dẫn đến cơ đùi càng ngày teo và chân càng yếu.
TS Hải cho biết, khi di chuyển khó khăn, có đau đớn, người bệnh cần đi khám ngay để được phát hiện ra các tổn thương và điều trị chính xác, dứt điểm.
"Đứt dây chằng chéo để lâu, người bệnh không thể thực hiện được các động tác phức tạp trong sinh hoạt cũng như các hoạt động thể dục thể thao, suy giảm chất lượng cuộc sống
Khi người bệnh bị đứt dây chằng gối kéo dài, khớp gối bị hạn chế cử động khiến cơ đùi bị teo. Mâm chày sẽ bị lệch ra trước so với xương đùi, khiến cho khớp gối bị mất vững, người bệnh đi lại khó khăn nếu dây chằng chéo đầu gối bị đứt.
Khớp gối mất vững khiến cho mâm chày trượt ra trước so với lồi cầu đùi khiến cho sụn chêm bị kẹt giữa 2 xương bị rách. Sụn chêm sẽ càng bị rách rộng thêm nếu hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại.
Đứt dây chằng chéo đầu gối khiến cho khớp gối bị thay đổi động học, phân phối lực của lồi cầu xương đùi xuống mâm chày thay đổi bất thường dẫn đến sụn khớp bị tổn thương. Hệ quả là khớp gối bị thoái hóa", TS Hải phân tích.
TS Hải cũng khuyến cáo người bệnh không được tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, truyền miệng như đắp lá, bẻ gối... khiến cho tổn thương càng nặng nề hơn.
Theo TS Hải, hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật đã được ứng dụng trong phẫu thuật điều trị đứt dây chằng chéo, trong đó phương pháp phẫu thuật nội soi với các ưu điểm: vết mổ nhỏ, giúp phẫu thuật viên quan sát được toàn bộ các thành phần trong khớp gối, ít đau sau mổ...