Sinh ra từ làng nghề mộc 300 năm
Clip: Ông Nguyễn Văn Minh trú tại xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) từ một nông dân nghèo trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 nhờ làm nhà bằng gỗ mít.
Sinh ra ở làng mộc Bến Đền, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) có tuổi đời 300 năm, ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Minh đã được nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề mộc.
Lên 6 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Minh đã được cha và ông nội "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn cầm cưa, đục, khoan… để học nghề mộc. Tuy nhiên, thời điểm bây giờ nghề mộc tại quê hương trở nên đìu hiu, không còn thịnh vượng như trước.
Năm 1986, ông Nguyễn Văn Minh có tình cảm và nên duyên với cô gái cùng xã. Lúc này, để có kinh tế nuôi vợ con ông Minh đã làm đủ mọi nghề từ buôn hến, buôn lân đạm, vôi… Tuy nhiên, cuộc sống gia đình ông Minh vẫn không khá giả hơn, túng thiếu từng ngày.
Trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, cơ hội bất ngờ
Cơ duyên để ông "Minh mít" bén duyên với gỗ mít cũng rất tình cờ. Khoảng năm 2003, một vị giáo sư đã tìm về huyện Đức Thọ săn lùng gỗ mít làm nhà thờ. Vô tình gặp ông "Minh mít", biết được ông sinh ra từ làng nghề mộc nổi tiếng 300 năm khiến vị giáo sư vui mừng.
Ông "Minh mít" nhớ lại: "Lúc đi buôn hến, buôn lân đạm tại các huyện miền núi như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… tôi chứng kiến người dân chặt bỏ những gốc mít to, vứt lăn lóc ngoài vườn để làm củi dùng dần. Không biết được giá trị của loại gỗ này.
Được vị giáo sư nhờ làm nhà thờ bằng gỗ mít, tôi lúc đó cũng chỉ đồng ý cho vui, bởi tại thời điểm đó không ai dùng gỗ mít làm mộc cả. Sau nhiều lần tôi với vị giáo sư trao đổi thông tin liên lạc với nhau. Tuy nhiên, được một thời gian chúng tôi đã vô tình mất thông tin về nhau".
Sau lời đề nghị của giáo sư, ông "Minh mít" đã suy nghĩ rất nhiều, trăn trở với câu hỏi: "Có nhiều loại gỗ tốt, gỗ quý, tại sao họ lại mất nhiều công sức để tìm kiếm gỗ mít làm nhà thờ?"
Ông "Minh mít" nhớ lại lời ông nội nói: "Gỗ mít mang hương thơm gần giống với gỗ trầm, mùi thơm nhẹ mang đến cảm giác thư giãn, dễ chịu. Bên cạnh đó, gỗ mít có thớ mềm, rất dễ đục đẽo, chạm khắc, có tính chất cơ lì ổn định ít bị cong vênh, mối mọt trong quá trình sử dụng.
Loại gỗ này có màu vàng sáng đặc trưng, càng để lâu gỗ có thể chuyển sang màu sẫm đỏ đẹp mắt thích hợp làm các công trình tâm linh".
Năm 2007, ông "Minh mít" gặp lại vị giáo sư, nghe tâm sự trong suốt 4 năm rong ruổi đi tìm thợ giỏi làm nhà thờ bằng gỗ mít mà vẫn chưa thấy ai ưng ý. Biết được ông "Minh Mít" quyết tâm khôi phục lại nghề mộc truyền thống nên người này đã tin tưởng giao cho ông.
Hai người sau đó thỏa thuận chi phí công trình nhà thờ bằng gỗ mịt hết tổng 120 triệu đồng. Không có vốn, ông "Minh mít" xin ứng trước 15 triệu đồng để mua vật liệu, tận dụng khoảng sân trước nhà mình để làm xưởng mộc, thuê 4 người trong làng làm cùng, trả lương 25.000 đồng/ngày.
Trước đến nay chưa thấy ai dùng gỗ mít để làm đồ mộc, mọi người xảy ra nghi ngờ về thành công. Không chỉ bà con, làng xóm mà ngay cả vợ ông "Minh mít" cũng không chắc chắn về quyết định của chồng mình.
"Sao không giữ nghề cũ, làm lớn vậy chỉ thêm vất vả. Lỡ không thành công, họ bắt đền thì tiền đâu mà bồi thường. các con sẽ rơi cảnh thất học, tương lai mịt mù", ông "Minh mít" nhớ lại những lời vợ nói.
Bỏ ngoài tai những lời nói ra nói vào, ông "Minh mít" ngồi chiếc xe đạp ròng rã đi khắp các huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh để tìm mua những gốc gỗ mít của người dân vứt đi, rồi dò hỏi đến các nhà thờ để ghi lại các mẫu thiết kế đẹp mang về nghiên cứu.
Sau hơn 6 tháng cơm đường, cháo chợ, ông "Minh mít" cùng 4 người thợ miệt mài bào, đục, đẽo... đã hoàn thành xong khung nhà thờ, các hạng mục liên quan cho vị giáo sư, đưa ra Hà Nội dựng. Sau khi hoàn thành, ông "Minh mít" nhận nốt 105 triệu còn lại và thêm những cơn mưa lời khen từ vị giáo sư.
Lúc này, ông "Minh mít" mới dám nghĩ về những dự định của bản thân là đúng đắn. Bên cạnh đó, vợ và những người xung quanh đã công nhận tài năng của ông Minh.
Tiếng lành đồn xa, ông "Minh mít" bắt đầu nhận được nhiều hợp đồng về làm cầu thang, đồ nội thất, nhà thờ….bằng gỗ mít, ông đã vay mượn hơn 100 triệu đồng để sắm thêm máy móc giúp công nhân đỡ cực nhọc.
Năm 2012, ông "Minh mít" thuê mảnh đất 550m2 tại trung tâm xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ để làm xưởng mộc. Xưởng mộc của ông "Minh mít" chuyên làm nhà thờ, đồ nội thất….
Đến nay ông "Minh mít" đã dựng được trên 300 nhà thờ, các công trình của ông làm luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng cũng như thái độ làm việc của công nhân.
Trung bình mỗi năm, xưởng gỗ ông "Minh mít" cho ra đời khoảng 25 nhà thờ, giá giao động từ 500 triệu đồng-5 tỷ/nhà thờ (tùy kích thước). Khách hàng chủ yếu ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Sau khi trừ mọi chi phí, ông Minh bỏ túi 10% giá trị công trình, lời khoảng 4 tỷ mỗi năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông "Minh mít" còn tạo công việc cho 20 lao động chính thức và hàng chục lao động thời vụ, mức lương dao động từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, thợ chạm khắc tiền công một ngày hơn một triệu đồng, có người mỗi tháng làm đủ 28 công thu nhập 30 triệu đồng.
Ông "Minh mít" tâm sự: "Chúng tôi chuyên làm nhà thờ, nội thất trong nhà thờ nên không chỉ làm cho người dương ngắm mà phải phục vụ cho cả người âm. Chính vì thế mỗi người thợ khi làm việc phải tỉ mỉ, cố gắng tối đa, làm việc bằng cái tâm tốt.
Sau khi hoàn thành công trình, hàng năm tôi phải đến bảo dưỡng cho họ. Là gỗ tự nhiên, qua thời gian chúng vẫn có hiện tượng co ngót, chúng tôi đến xem có cần trùng tu bảo dưỡng gì không".
Theo ông "Minh mít", đa số công trình nhà thờ ở ngoại tỉnh nên các công nhân tại xưởng gỗ được thiết kế sẵn, nghiên cứu kết cấu khung, họa tiết rồi cắt xẻ sẵn. Trung bình một nhà thờ, đội thợ 20 người của ông phải làm việc từ 1-2 tháng, sau đó dùng xe tải chở gỗ đến nhà khách hàng để lắp đặt. Quá trình dựng diễn ra khoảng 3-4 ngày.
Một công trình nhà thờ có khối lượng gỗ lớn, nặng lên đến hàng chục tấn. Điều này khiến các đội công nhân như: bốc vác, kết cấu, làm cửa, chạm khắc… phải làm việc nhịp nhàng, hiểu ý nhau để tránh sự việc không mong muốn xảy ra.
Bên cạnh đó, khi cắt xẻ làm các mối nối mộng gỗ đòi hỏi hộ chính xác cao. Nếu đục lệch một vị trí, khi dựng lên sẽ không khớp. Với công đoạn này, ông "Minh mít" thường xuyên quan sát thợ làm, khi nào yên tâm mới duyệt.
Khi được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, ông "Minh mít" xúc động: "Khi được chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 tôi rất vui, bên cạnh đó cũng nhiều áp lực. Ước mơ của tôi là khôi phục lại nghề mộc truyền thống 300 năm thịnh vượng như trước đây. Mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn, đẹp hơn để mọi người trên đất nước Việt Nam công nhận tài năng làm mộc của người dân Hà Tĩnh. Từ đó, giúp nhiều công nhân làm mộc có nguồn thu nhập ổn định".
Ông Trần Thanh Sang-Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Sơn, nói: "Ông Nguyễn Văn Minh là Hội viên nông dân kiên trì, có ý chí rất lớn. Xã Trường Sơn là làng mộc và đóng thuyền nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm nhưng đã mai một vì sản phẩm bị cạnh tranh. Ông Minh có hướng đi mới khi làm nhà gỗ và đồ thờ mới có thị trường lớn, tạo việc làm cho người dân, duy trì được nghề truyền thống của xã. Không những thế, xưởng gỗ của gia đình ông Minh còn tạo được công ăn việc làm cho con em địa phương".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Xuân Hùng-Phó chủ tịch UBND Huyện Đức Thọ, cho biết: "Ông Nguyễn Văn Minh là người cần mẫn, chịu khó. Ông Minh là người hòa đồng với bà con làng xóm, thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa... của địa phương. Đối với công nhân, ông Minh vừa là người thầy tâm huyết, là người bạn chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mọi người.
Làng mộc Trường Sơn có tuổi đời 300 năm, nhưng nay đã mai một. Ông Minh rất trăn trở, mong muốn khôi phục lại làng nghề truyền thống của ông cha, bên cạnh đó còn kế thừa và sáng tạo những điểm mới".