Trong "Tây Du Ký", Trư Bát Giới luôn bị coi là kẻ lười biếng và vô dụng nhưng thực tế nhân vật này vô cùng lợi hại, không thua kém gì Tôn Ngộ Không. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Bát Giới thực tế lại là một "thiên tài ẩn dật" không bao giờ phô bày toàn bộ sức mạnh thật sự của mình.
So với Tôn Ngộ Không, Bát Giới thậm chí còn khiến đại sư huynh phải kiêng nể vài phần vì phép thuật lợi hại của mình. Trước khi xuống hạ giới, Bát Giới từng là Thiên Bồng Nguyên Soái chỉ huy 8 vạn thuỷ binh ở thiên đình, tu luyện thành thạo 36 phép thiên cang của Đạo giáo. Xét về nội công, Bát Giới thuộc dạng cực kỳ thâm hậu, dù chỉ có 36 phép thiên cang biến hoá nhưng lại mạnh ngang ngửa 72 phép Địa sát mà Bồ Đề Tổ Sư dạy cho Tôn Ngộ Không. Trong đó, Bát Giới thậm chí còn có khả năng "cải tử hoàn sinh" cực kỳ lợi hại. Phép thuật này từng một lần cứu sống Tôn Ngộ Không khi bị lửa Tam muội của Hồng Hài Nhi làm cho mê man bất tỉnh.
Sau khi xuống hạ giới, Bát Giới được Quán Thế Âm Bồ Tát giác ngộ, và tôn Đường Tăng làm sư phụ và theo về Tây Phương thỉnh kinh. Quán Thế Âm Bồ Tát lấy pháp hiệu là "Ngộ Năng", và Đường Tăng đặt cho bí danh là "Bát Giới" nghĩa là khuyên răn đồ đệ 8 ranh giới bị kiềm chế và cần tránh xa (gồm: Tham ăn, háo sắc, tham của, ghen ghét đố kỵ người tài, giả dối và lừa gạt, nhàn hạ, sợ khổ và sợ khó, tham công lao).
Từng là một thiên tướng, nắm giữ 8 vạn thiên binh và có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn trên thiên giới. Thế nhưng khi trên đường theo Đường Tăng đi lấy kinh, Trư Bát Giới lại là kẻ lười biếng, không bao giờ đánh thắng yêu quái, may mắn lắm là hòa, thậm chí có trận gần thắng thì lại hết hơi nên… rốt cục thua. Sức chiến đấu chỉ mạnh hơn Xa Tăng một chút. Khi Tôn Ngộ Không gặp Trư Bát Giới lần đầu, cuộc chiến đã kéo dài mấy tiếng đồng hồ, có thể nói sức mạnh của hai người là gần ngang nhau, nhưng tại sao nhiều quái vật lại có thể giết Trư Bát Giới trong vài phút? Chúng ta hãy cùng xem một bài phân tích:
Lý do một: Tâm lý của Trư Bát Giới đã thay đổi, anh ta chỉ muốn sống qua ngày và không còn hy vọng gì cho sự nghiệp của mình. Kinh nghiệm chiến đấu của Trư Bát Giới đã thay đổi rất nhiều, anh ta từng là thiên tướng, nhưng lại bị đày xuống trần gian vì uống rượu, phạm lỗi với Hằng Nga và kết cục mang khuôn mặt xấu xí, tính cách cũng lười biếng và trở nên trầm cảm, không năng nổ hoạt bát.
Lý do thứ hai: Sau khi Trư Bát Giới tôn Đường Tăng làm thầy, ý chí của anh không còn vững vàng. Trên con đường đi thỉnh kinh Phật ở phương Tây, bản thân Trư Bát Giới không có nhiều tham vọng, trong lòng luôn tâm niệm an nhàn, thường nhớ đến cô vợ hụt ở Cao Lão Trang.
Trên thực tế, Trư Bát Giới không thuận lòng đi thỉnh kinh Phật, bởi vì nếu gia nhập vào Phật môn, anh ta sẽ bị giới luật ràng buộc. Vì vậy, dưới tác động của tâm lý này, ngay khi thầy trò gặp khó khăn, Trư Bát Giới đã chủ động muốn chia hành lý và quay trở lại Cao Lão Trang. Rõ ràng, trong suy nghĩ của Trư Bát Giới, mục tiêu của anh ta không phải là lấy được kinh Phật thành chính quả mà là muốn có một cuộc sống bình thường với vợ đẹp.
Lý do thứ ba: Trư Bát Giới đang cố tình che giấu thực lực. Vì Trư Bát Giới là từng quản lý thiên binh nên năng lực của anh ta là đương nhiên giỏi, bởi vì thực lực không mạnh thì làm sao đạt được vị trí này.
Trư Bát Giới có 36 phép Thiên Cang và có vũ khí lợi hại là chiếc cào đinh ba chín răng. Thần khí này có tên đầy đủ là Thượng Bảo Tẩm Đinh Ba, được Ngọc Hoàng đại đế ban cho nhân vật này khi còn làm Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình. Bồ cào 9 răng từng là binh khí do đích thân Thái Thượng Lão Quân dùng rèn ra, lại mượn nguyên thần của Ngũ Đế năm phương, Cửu Thiên Ứng và phải mất một thời gian rất dài mới có thể chế tạo thành. Đây là thứ pháp khí uy lực và mạnh mẽ nhất, khiến quỷ khóc thần sầu, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng phải nhiều phen lao đao chống đỡ. Có thể nói, vũ khí này không kém hơn bao nhiêu so với gậy như ý kim cô bổng của Tôn Ngộ Không.
Trong phim "Tây Du Ký", có đoạn từng giới thiệu Trư Bát Giới đánh trên cạn không giỏi, điểm mạnh của nhân vật này là đánh dưới nước. Mỗi khi gặp yêu quáy dưới nước là Tôn Ngộ Không luôn nhờ Trư Bát Giới đến giúp đỡ mình.
Lý do thứ tư: Trên thực tế, trong nguyên tác "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân, quái vật do Tôn Ngộ Không giết chiếm khoảng 55%, quái vật do Trư Bát Giới giết chiếm khoảng 39%. Mặc dù Trư Bát Giới giết ít yêu quái hơn, nhưng tỷ lệ này cũng có thể cho thấy Trư Bát Giới thực sự vẫn còn rất nhiều nỗ lực.
Nhưng trong phiên bản phim truyền hình của "Tây Du Ký" năm 1986 của đạo diễn Dương Khiết đã tiết chế các nhân vật đi rất nhiều. Trư Bát Giới đã cố tình bị làm suy yếu, để làm nổi bật sức mạnh của Tôn Ngộ Không.
Đạo diễn Dương Khiết cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng để làm nổi bật Tôn Ngộ Không, bà đã cố tình làm suy yếu khả năng của Trư Bát Giới. Ngoài ra, thân hình của Mã Đức Hoa tương đối béo, khi khoác lên bộ trang phục tạo hình của Bát Giới, không có lợi cho việc tung hoành, đánh đấm, hiệu ứng đặc biệt không phát huy được nên nhân vật này được xây dựng yếu ớt.