Bóng đá Việt Nam chưa một lần nghĩ rằng, chúng ta sẽ có đội tuyển quốc gia dự giải bóng đá vô địch thế giới của FIFA (FIFA World Cup). Bây giờ, điều ấy không còn là ước mơ mà là sự thật khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là 1 trong 32 đội tuyển xuất sắc nhất thế giới đang thi đấu FIFA Women’s World Cup 2023.
Trải qua nhiều thế hệ HLV huấn luyện như Steve Darby (năm 2001), Giả Quảng Thác (2006), Ngô Lê Bằng (2007), Trần Vân Phát (2007- 2010) và bây giờ là HLV Mai Đức Chung, bóng đá nữ Việt Nam (ở cấp độ đội tuyển quốc gia) đã có những thay đổi đáng kể về chuyên môn. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có thêm nhiều sự mến mộ từ người hâm mộ.
Đỉnh cao của mỗi đội bóng chính là được dự World Cup. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã làm được. Tại New Zealand lúc này, những trận đấu trước đội tuyển nữ Mỹ, đội tuyển nữ Bồ Đào Nha mang lại cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nhiều cảm xúc. Và dù chưa có chiến thắng, chưa có bàn thắng nhưng từng cầu thủ đã nỗ lực để có những phút giây cống hiến trên sân vì màu cờ sắc áo. Điều mà nhà quản lý Cục TDTT cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam rất chờ đợi rằng, từ những thành tích của đội tuyển bóng đá nữ như vậy, người dân sẽ tới cổ vũ nhiều hơn trên các sân bóng khi giải bóng đá nữ vô địch quốc gia thi đấu và cũng sẽ có nhiều gia đình cho con em theo tập bóng đá nữ từ đó bóng đá Việt Nam phát hiện thêm tài năng. Điều ấy là thực tế nhất.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu giải FIVB Challenge Cup trong tối 27-7 tại Pháp cũng tạo một hiệu ứng mạnh mẽ trước cộng đồng người hâm mộ bóng chuyền cả nước. Dường như tất cả người yêu thích bóng chuyền và giới chuyên môn tại Việt Nam đã có mặt đầy đủ dõi theo từng phút của trận đấu khi được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội. Bóng chuyền nữ Việt Nam (ở cấp độ đội tuyển quốc gia) đang tạo được hiệu ứng tốt đó là gia tăng thêm số người đam mê bóng chuyền theo dõi, cổ vũ. Hẳn thế, không phải ngẫu nhiên, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã trở thành chủ nhà tổ chức cúp bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2023 (tháng 4-2023) và vòng đầu giải bóng chuyền quốc tế Đông Nam Á – SEA V.League 2023 (tháng 8-2023). Hai giải cùng tổ chức tại nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại SEA Games 31, nhà thi đấu Đại Yên (Quảng Ninh) có hơn 5.000 chỗ ngồi nhưng luôn quá tải khi các trận đấu bóng chuyền của Đại hội có đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam thi đấu. Sức mạnh cổ vũ từ người hâm mộ như vậy tiếp tục vẫn diễn ra tương tự tại nhà thi đấu Vĩnh Phúc ở giải cúp bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2023. Theo dự báo của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc chắc chắn sẽ kín khán đài tại giải SEA V.League 2023.
Môn thể thao phát triển và xây dựng được sự thành công chính là nhờ khán giả. Với những sự cổ vũ đông đảo như thế, bóng đá nữ và bóng chuyền nữ tại Việt Nam đang chờ đợi được phát triển tốt hơn nữa. Dù vậy, mọi người vẫn nhìn vào thực tế đó là hiệu ứng về thể thao ở chúng ta không theo quy luật mà thường chỉ theo thời điểm. Chúng ta đã chứng kiến những điều ấy khi hiệu ứng cổ vũ cho các ngôi sao thể thao như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) rất mạnh mẽ khi họ tranh tài ở quốc tế còn thời điểm có mặt trong các giải quốc nội thì rất ít được chú ý.
Thể thao là thành tích. Thành tích sẽ tạo hiệu ứng. Những điều này không sai quy luật. Người làm chuyên môn chỉ hy vọng khi đã có một hiệu ứng tích cực, nhà quản lý phải có hoạch định chuyên môn phù hợp nhất để phát triển tiếp môn thể thao theo đường dài...