Chất bán dẫn là những bộ phận nhỏ bé nhưng không thể thiếu trong hàng loạt sản phẩm như tủ lạnh, ô tô, điện thoại thông minh và bóng đèn LED.
Vài năm trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, người tiêu dùng bị mắc kẹt trong nhà và phải phụ thuộc vào các sản phẩm như điện thoại và máy tính. Điều này đã gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất chip. Nhu cầu đối với các chất bán dẫn như chip bộ nhớ của Samsung, SK Hynix và Micron tăng lên. Ngay cả nhu cầu về chip kém tiên tiến hơn cần thiết cho các quy trình như quản lý năng lượng trong thiết bị cũng tăng.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên diện rộng các sản phẩm như bảng điều khiển trò chơi, thậm chí cả linh kiện cho máy giặt. Chất bán dẫn dùng cho ô tô cũng bị thiếu hụt, khiến các hãng xe lớn giảm mạnh sản lượng sản xuất. Cho đến nửa đầu năm 2022, tình trạng này mới có dấu hiệu kết thúc.
Khi động lực cung - cầu đối với một số loại chip đang dần trở nên cân bằng hơn, thì ở các lĩnh vực khác, tình trạng thiếu hụt chip đã trở thành tình trạng dư thừa.
Tình trạng dư cung chip bộ nhớ
Hai loại chip hiện đang dư cung là bộ nhớ NAND và DRAM. Chúng được sử dụng trong các thiết bị như máy tính xách tay và cả máy chủ trong trung tâm dữ liệu.
Tình trạng dư thừa xảy ra sau khi các công ty bắt đầu dự trữ chip trong bối cảnh thiếu hụt để tích trữ hàng tồn kho. Song, sau thời kỳ đại dịch, nhu cầu đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính xách tay đã giảm mạnh.
"Vì vậy, các nhà sản xuất đã ngừng đặt hàng chip và tập trung vào việc bán lượng hàng đang tồn kho", ông Peter Hanbury, đối tác trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ tại Bain & Company cho biết.
"Điều này dẫn đến hiệu ứng 'bullwhip' mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng - nơi nhu cầu cao ngất ngưởng trong thời điểm thiếu hụt chip đột nhiên cạn kiệt khi thị trường ngừng đặt hàng chip và thay vào đó tập trung vào bán hàng tồn kho", ông Hanbury nhận định.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chất bán dẫn đều rơi vào tình trạng dư cung. Nhu cầu về chip trong lĩnh vực ô tô hiện vẫn khá cao.
Từ tăng lợi nhuận đến giảm thu nhập
Trong thời kỳ đại dịch, sự thiếu hụt chất bán dẫn đã thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất chip do giá cả tăng vọt, tiêu biểu là Samsung - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, năm nay, Samsung cũng như các đối thủ SK Hynix và Micron đã gặp khó khăn. Ngày 27/7, Samsung cho biết lợi nhuận hoạt động trong quý II năm nay giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu của SK Hynix cũng giảm 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chuyển sang thâm hụt với số lỗ ròng là 2.988 tỷ won (2,34 tỷ USD).
Samsung, SK Hynix và Micron sắp tới có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường PC đang xuống dốc.
Đối với TSMC - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, thu nhập ròng trong quý II đã giảm 23,3% so với năm trước. Đây là lần giảm lợi nhuận hàng quý đầu tiên của công ty sau 4 năm. Thị trường chip smartphone toàn cầu của TSMC cũng đang chịu áp lực.
"Thị trường điện thoại thông minh vẫn là phần doanh thu lớn nhất của TSMC", nhà phân tích Sze Ho Ng tại China Renaissance Securities nói với CNBC.
Nỗ lực cân bằng cung - cầu
Trong nỗ lực đẩy giá chip và giảm nguồn cung trên thị trường, các hãng chip lớn đã tuyên bố cắt giảm sản lượng. Trong đó, Samsung cho biết họ hy vọng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Những công ty khác cũng có quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, TSMC tuần trước cho biết họ mong đợi khách hàng "tiếp tục điều chỉnh hàng tồn kho".
"Sau đợt điều chỉnh năm nay, tôi nghĩ rằng sẽ có một kịch bản tăng trưởng vào nửa cuối năm cho TSMC, nhưng điều đó mạnh đến mức nào còn phụ thuộc vào môi trường vĩ mô", ông Ng nói.
Cuối cùng, sự phục hồi của các công ty này sẽ phụ thuộc vào câu hỏi liệu nhu cầu đối với các sản phẩm như đồ điện tử tiêu dùng có tăng hay không. Điều này còn phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế vĩ mô.