Nông dân Nam Định thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu
Hội Nông dân huyện Trực Ninh cho biết, hiện nay tổng số hội viên sau khi rà soát là 28.906 hội viên. Nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được xác định là phong trào trọng tâm của Hội, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên.
Các cấp Hội đã bám sát Nghị quyết của Hội cấp trên, của Huyện ủy Trực Ninh và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện để tổ chức phát động phong trào sâu rộng tới cán bộ, hội viên nông dân; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Từ đó, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện Trực Ninh ngày càng đi vào chiều sâu, có nề nếp, chất lượng phong trào ngày càng nâng lên, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu.
"Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn; tạo điều kiện vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao", lãnh đạo Hội Nông dân huyện Trực Ninh nhấn mạnh.
Anh Trịnh Văn Diện (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) chia sẻ, sau khi địa phương có chủ trương thực hiện dồn điền đổi thửa, năm 2012, anh đã mạnh dạn thuê lại 10 mẫu ruộng canh tác kém hiệu quả của người dân để xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" mang lại hiệu quả cao, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, anh Diện quyết định thuê thêm diện tích ruộng của những hộ gia đình không có nhu cầu sản xuất.
Đến năm 2015, gia đình anh sở hữu 20 mẫu ruộng; vừa canh tác khoai tây, vừa sản xuất lúa thương phẩm. Hiện nay, tổng diện tích gia đình anh Diện đang thuê của bà con nông dân lên đến 100 mẫu ruộng.
Cùng với việc mở rộng diện tích, anh Diện tích cực nghiên cứu, sản xuất, chế tạo thêm các loại máy móc để đưa vào sản xuất. Đến nay, với diện tích 100 mẫu ruộng, gia đình anh áp dụng 100% cơ giới hóa.
Hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên nghèo
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Trực Ninh thông tin thêm, đi đôi với phong trào SXKD giỏi, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân đã tích cực đẩy mạnh phong trào tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, các cấp Hội có kế hoạch rà soát, nắm tình hình các hộ hội viên nông dân nghèo để tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Đồng thời các cấp Hội trong huyện tổ chức thăm hỏi, động viên tặng 812 suất quà với trị giá 233,450 triệu đồng cho các gia đình hộ hội viên nghèo nhân dịp tết Nguyên đán.
Các cấp Hội đã tổ chức vận động ủng hộ xây dựng quỹ Mái ấm nông dân và tổ chức xây nhà mái ấm nông dân, nhà Đại đoàn kết cho 12 hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại 12 xã, thị trấn với số tiền 930 triệu đồng.
"Từ phong trào giúp nhau giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trực Ninh năm 2022 còn 1,093%", lãnh đạo Hội Nông dân huyện Trực Ninh cho hay.
Đặc biệt, nhiều năm qua, công tác xây dựng quỹ Hội được Hội Nông dân các cấp trong huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn huyện có 21/21 cơ sở Hội có quỹ, 190/190 chi Hội có quỹ, bình quân quỹ hội năm 2018 đạt 88.900 đồng/hội viên; năm 2022, đạt 117.000 đồng/hội viên (tăng 28.100 đồng/hội viên so với đầu nhiệm kỳ).
Quỹ Hội tăng tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động và làm phúc lợi hội viên. Việc thu nộp hội phí đi vào nề nếp; việc quản lý, sử dụng quỹ hội của các cấp Hội đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, hiệu quả.
Đến nay, tổng số vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện là trên 1,6 tỷ đồng, tăng 622,154 triệu đồng so với năm 2018. Quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn ủy thác từ Quỹ HTND Trung ương và tỉnh Nam Định với số tiền là hơn 1,7 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ qua đã cho vay 16 dự án với trên 150 lượt hộ vay. Các dự án sau khi được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hoạt động có hiệu quả, phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm trên địa bàn huyện Trực Ninh đạt 92,06%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 đạt trên 70,73 triệu đồng/người.
"Việc đăng ký và bình xét hộ đạt danh hiệu hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKD giỏi) đã đi vào nề nếp và chất lượng ngày một tăng lên. Năm 2018, có 15.987 hộ đăng ký và 8.062 hộ đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp; cuối năm 2022 có 23.753 hộ đăng ký sản xuất giỏi, có 11.953 hộ đạt danh hiệu NDSXKD giỏi các cấp", lãnh đạo Hội Nông dân huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho biết thêm.