Ngày 31/7/2023, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Khởi nghiệp ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp".
Hội nghị có sự tham gia của hai chuyên gia nông nghiệp là ông Nguyễn Lân Hùng và ông Hoàng Trọng Thủy. Cùng với đó là sự tham gia của các doanh nghiệp, Hợp tác xã đang ứng dụng Công nghệ sinh học trong sản xuất.
Hội Nghị đã đánh giá khái quát, nêu bật thực trạng, tìm ra cơ hội cho doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ sinh học trong sản xuất Nông nghiệp tại Việt Nam.
Ứng dụng Công nghệ sinh học nông nghiệp tại Việt Nam. Video Khải Phạm.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đã đưa ra những cái nhìn khái quát về thực trạng của Công nghệ sinh học đang ứng dụng trong sản xuất Nông nghiệp ở Việt Nam.
Theo ông Hùng, nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, kết hợp với các thiết bị tin học thì ngành Công nghệ sinh học ra đời và phát triển như “vũ bão” đóng góp cho nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, Công nghệ sinh học không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà còn nhanh chóng được áp dụng trong sản xuất và đã ra đời hàng loạt sản phẩm mới mẻ, độc đáo phục vụ đắc lực cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt ứng dụng trong Nông nghiệp.
“Công nghệ sinh học quá các quá trình sản xuất ở quy mô công nghiệp có sự tham gia của các tác nhân sinh học ở mức độ cơ thể, tế bào hoặc dưới tế bào. Dự trên các thành tựu tổng hợp của nhiều bộ môn khoa học phục vụ cho việc tăng của cải xã hội và bảo vệ lợi ích con người. Công nghệ sinh học không phải môn Toán, Lý, Hóa… mà chính là công nghệ sản xuất", ông Nguyễn Lân Hùng khẳng định.
Quay lại lịch sử, ông Nguyễn Lân Hùng cho biết, không phải hiện nay, Công nghệ sinh học mới phổ biến mà từ xa xưa, việc lên men rượu, tương, đậu phụ. chao, sữa chua… cùng là từ Công nghệ sinh học. Tuy nhiên, những việc này vẫn ở mức độ đơn sơ và chưa có sự kết hợp với các ngành khoa học khác.
Quá trình phát triển được ghi nhận từ cuối Thế kỷ 19 đầu Thế kỷ 20 khi con người bắt đầu sử dụng vi sinh vật vào quá trình lên men, quá trình hóa học để sản xuất aceton, butanon… và một số kháng sinh khác… những giai đoạn trên được gọi chung là Công nghệ sinh học truyền thống.
Từ năm 1960 đến nay, Công nghệ sinh học hiện đại được phát triển ở các kỹ thuật như sinh học phân tử, kỹ thuật gen, nuôi cấy mô, lên men… và dựa trên kỹ thuật ADN tái tổ hợp.
Nhờ đó, Công nghệ sinh học đã lên nấc thang mới đạt được những kết quả quan trọng.
Trong khi đó, chuyên gia Nông Nghiệp - Hoàng Trọng Thủy đánh giá tác động, ứng dụng của Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp gồm 4 mảng chỉnh: Công nghệ sinh học thực vật, động vật, vi sinh vật và Công nghệ sinh học enxin.
Công nghệ sinh học ở Việt Nam đi từ không đến có và đến bây giờ nhiều gia đình, nhà sản xuất, cộng đồng, Hợp tác xã đã được trải nghiệm những tác dụng khi ứng dụng trong các sản phẩm thực tế.
Nói kỹ hơn, ông Thủy cho rằng, tác động của Công nghệ sinh học vào Nông nghiệp Việt Nam ở mức toàn diện, sâu sắc và ngày càng có sức thuyết phục cao đối với nền sản xuất Nông nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có 3 tác động chính của Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp hiện nay.
Thứ nhất, Công nghệ sinh học tác động về mặt kinh tế là hiện hữu và quan trọng nhất. Công nghệ sinh học giúp tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng vượt trội so với tất cả các giống trước đó. Điều này góp phần vào chuyển dịch cơ cấu Nông nghiệp, Nông thôn. Thậm chí, các vùng có lợi thế phát triển, Công nghệ sinh học góp phần tái cấu trúc lại ngành trồng trọt, chăn nuôi và tác động rất lớn đến trục nông sản vùng miền, xuất khẩu.
Thứ hai, Công nghệ sinh học tác động về mặt xã hội khi đáp ứng rộng rãi về nhu cầu sử dụng của gia đình, tổ nhóm, cộng đồng trên quy mô lớn, trên phạm vi toàn quốc. Điều này thúc đẩy liên kết giữa người nông dân với người nông dân, giữa người nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, những người làm chính sách trong dọc đường đi của sản phẩm và được coi là tiến bộ lớn.
Công nghệ sinh học giúp thay đổi về cách nghĩ, cách làm và tối ưu hóa sản phẩm Nông nghiệp ở khu vực kinh tế nông nghiệp, tập thể…Những yếu tố xã hội đang xuất hiện và hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp.
Thứ ba, Công nghệ sinh học tác động về mặt môi trường trong việc thu gom chất thải trong chăn nuôi, khu dân cư để xử lý và tài sử dụng có ích cho cuộc sống.
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn mới - Hoàng Trọng Thuỷ cho biết, dư địa phát triển Nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều và đi đôi với phát triển Khoa học kỹ thuật gắn với công nghệ sinh học và thỏa mãn được sáng tạo, đổi mới.
Công nghệ sinh học tạo ra sự bình đẳng trong phát triển, khi cá nhân, tổ nhóm, Hợp tác xã sử dụng được sản phẩm từ Công nghệ sinh học. Trong khi đó, những doanh nghiệp, Tập đoàn lớn có vốn, nhân lực nhưng không tư duy, làm điều đó thì các cá nhân, tổ nhóm, Hợp tác xã sẽ đi nhanh hơn.
Như vậy, “người nghèo” ít vốn, nhân lực nhưng có sự đam mê, sáng tạo và có quyết tâm thì sẽ đi nhanh về được đến đích. Cơ hội sẽ chia đều cho những ai biết nắm bắt và đó là sự bình đẳng trong phát triển kinh tế ứng dụng Công nghệ sinh học.
Tiếp theo, Công nghệ sinh học tạo cơ hội, động lực cho kinh tế toàn hoàn. Dùng phụ phẩm của vòng đời sản xuất 1 nhờ khoa học kỹ thuật và vi sinh học để tối ưu hóa để trở thành đầu vào của sản phẩm thứ 2. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển, công nghệ sinh học còn là trụ cột trong kinh tế toàn hoàn.
Ông Thủy chỉ ra những con số đáng nói khi mỗi năm ở Việt Nam có 160 triệu tấn/năm phụ phẩm và sản phẩm thừa trong Nông nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu quý, là chất có lợi cho cuộc sống và tạo ra được nhiều sản phẩm khác nhau qua Công nghệ sinh học…
Công nghệ sinh học tạo ra giống cây, con vật mới thích ứng với sự thay đổi của người tiêu dùng để phát triển thị trường và thích ứng với tiểu vùng sinh thái vùng núi, đồng bằng, ven biển… Công nghệ sinh học giúp chống chọi với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đó là những tác động mà người nông dân nhìn nhận rất rõ.
Ngoài ra, Công nghệ sinh học góp phần khắc phục và bảo vệ môi trường cho Nông nghiệp phát triển bền vững ở các vùng sinh thái miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển… Từ đó tìm ra được thế mạnh của cây trồng, vật nuôi trong Nông nghiệp phù hợp với địa phương và tập quán nông dân để có những sản phẩm đặc thù đưa ra thị trường cạnh tranh và tạo ra lớp nông dân chuyên nghiệp sản xuất giỏi, có trách nhiệm với người tiêu dùng, với môi trường và biết sử dụng khoa học công nghệ.
Theo chuyên gia Nguyên Lân Hùng, tiềm năng hiện nay trong các phụ phẩm Nông nghiệp như tinh dầu trong lá ổi, quả chanh rất nhiều và đã được các doanh nghiệp đã sử dụng Công nghệ sinh học để cho ra đời những sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Ông Lân Hùng đưa ra ví dụ thực tế, Singapore là quốc gia không có cây xanh, nhưng họ đã đi mua cây cối ở các nơi về để làm thuốc và cả thế giới phải đến đây để mua. Ngay cả Nhật Bản cũng mua lá chuối, tre của Việt Nam lên đến cả triệu USD.
Từ đó có thể thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn khi có lượng thực vật đa dạng nên các doanh nghiệp cần phát huy, tìm ra được thành các bài thuốc từ tinh dầu. Các doanh nghiệp sản xuất từ phụ phẩm Nông nghiệp cần mở rộng các loại lá cây khác càng hiếm, càng đặc sắc thì giá trị kinh tế càng cao.
Trong quá trình sản xuất, chế biến, doanh nghiệp cần tận dụng các cơ sở, các nhà khoa học để hình thành các tổ hợp để phát triển Nông nghiệp một cách toàn diện.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, những doanh nghiệp sử dụng phụ phẩm Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ sinh học để cho ra những sản phẩm phụ cuộc sống hiện nay đang đi đúng hướng bởi trong Nông nghiệp có loại sản phẩm vòng đời dài nhất, tạo ra giá trị sinh lời cao nhất.
Đầu tiên là giống, hai là sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho người già, người có bệnh hoặc trẻ em và phụ nữ có thai và thứ 3 là sản phẩm làm đẹp.
Đây là 3 sản phẩm có vòng đời dài, nhưng doanh nghiệp cần biết liên kết với ai để thích ứng và công nghệ nào để phát huy tối đa hiệu quả.
Lời khuyên của chuyên gia là các doanh nghiệp Nông nghiệp sản xuất từ phụ phẩm Nông nghiệp cần đẩy mạnh những việc đang làm và nâng tầm sản phẩm bằng việc tận dụng lợi thế về sinh thái ở địa bàn đang sản xuất để tạo ra thêm những sản phẩm mới đặc sắc, khác biệt và tung ra thị trường càng sớm, càng tốt để chiếm lĩnh thị trường.