Dân Việt

Vụ doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm lòng sông ở Cà Mau: Xây kè bê tông lấn sông trước khi được cấp phép hoạt động

Hoàng Hạnh 01/08/2023 16:30 GMT+7
Một số doanh nghiệp ở Cà Mau được xác định đã xây dựng bờ kè bê tông cốt thép lấn chiếm đất bảo lưu ven sông trước khi được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.

Ngày 6/7, Báo điện tử Dân Việt có bài: "Cà Mau: Nhiều doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm lòng sông", phản ánh việc người dân sinh sống quanh khu vực Đình Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau bức xúc trước việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông, xây dựng công trình trái phép trên đất bảo lưu ven sông làm hư hỏng lộ giao thông nông thôn...

Clip người dân sinh sống quanh khu vực có các doanh nghiệp lấn chiếm lòng sông bị tra tấn bởi tiếng ồn từ các phương tiện có tải trọng lớn.

Liên quan đến việc này, ngày 1/8, Phòng Quản lý đô thị TP.Cà Mau cho biết, đơn vị này đã phối hợp với phòng Quản lý chất lượng và hạ tầng (thuộc Sở GTVT tỉnh Cà Mau), UBND xã Lý Văn Lâm và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra thực trạng nội dung người dân phản ánh, và đã có báo cáo kết quả kiểm tra về UBND thành phố.

Vụ doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm lòng sông ở Cà Mau: Xây kè bê tông lấn sông trước khi được cấp phép hoạt động - Ảnh 2.

Doanh nghiệp cho xây bờ kè lấn chiếm đất bảo lưu ven sông. Ảnh: An An

Theo đó, ngành chức năng xác định: Về hoạt động bến thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GTVT tỉnh Cà Mau. Tại thời điểm kiểm tra, phòng Quản lý chất lượng và kết cấu hạ tầng thuộc sở này xác định hiện trạng bến thủy nội địa của cơ sở vật liệu xây dựng Trung Hoa và vật liệu xây dựng Đức Anh không thay đổi hiện trạng so với giấy phép được cấp.

Riêng bến vật liệu Trường Sơn và bến vật liệu Hồng Đức được cơ quan chuyên môn xác định, vị trí cấp phép cho hai cơ sở này từ bờ đất tự nhiên (kè dừa) ra phía hành lang bảo vệ luồng; phạm vi vùng đất cấp phép theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động kè dừa bị sạt lở làm thay đổi hiện trạng so với thời điểm cấp phép, nên hiện nay không xác định được vị trí.

Báo cáo nêu rõ việc xây dựng lấn chiếm đất bảo lưu ven sông, hai bến vật liệu xây dựng Trung Hoa và Đức Anh xây dựng bờ kè bê tông cốt thép trước khi được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa (bờ kè vật liệu xây dựng Trung Hoa xây dựng hơn 10 năm; bờ kè vật liệu xây dựng Đức Anh xây dựng hơn 5 năm).

Đối với hai cơ sở Trường Sơn và Hồng Đức được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tuy nhiên, việc xác định luồng và hô sơ cấp phép trước đây cần cơ quan cấp phép kết hợp để xác định phần diện tích vi phạm.

Theo đó, phòng Quản lý đô thị TP.Cà Mau đã mời phòng chuyên môn thuộc Sở GTVT tỉnh Cà Mau đến hiện trường, nhưng không xác định được vị trí cấp phép, cũng như phần diện tích vị phạm. Đặc biệt là không cung cấp được hồ sơ cấp phép.

Từ kết quả kiểm tra thực tế này, phòng Quản lý đô thị TP.Cà Mau kiến nghị UBND thành phố có ý kiến đến Sở GTVT chỉ đạo thực hiện một số vấn đề như: Chỉ đạo phòng Quản lý chất lượng và hạ tầng phối hợp với phòng Quản lý đô thị thành phố, và UBND xã Lý Văn Lâm xác định vị trí cấp phép, từ đó làm cơ sở xử lý vi phạm, và đề nghị chủ bến khắc phục lại hiện trạng ban đầu.

Hay, việc đề nghị Sở GTVT kiểm tra lại cấp sông và cấp giấy phép được thống nhất, vì hiện nay việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của các chủ bến về khả năng tiếp nhận phương tiện thủy là khác nhau (cùng một tuyến sông nhưng có bến được tiếp nhận phương tiện có tải trọng 60 tấn, có bến 250 tấn).

Đặc biệt là chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy hoạt động tại các bến vật liệu nói trên nhưng vượt quá tải trọng cho phép.

Như Dân Việt đã thông tin: Thời gian gần đây, người dân địa phương bức xúc trước việc Đình Tân Hưng nằm bên bờ sông Rạch Rập là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng phía đối diện có 4 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động. Trước đây, một số doanh nghiệp còn xây dựng nhà xưởng bao trùm qua lộ dân sinh, dùng xe cơ giới vận chuyển vật liệu làm hư hỏng lộ do Nhà nước đầu tư…

Việc hoạt động khiến bà con phải chịu cảnh "tra tấn" tiếng ồn từ các thiết bị máy móc hoạt động ngày đêm ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân. Mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý…