Ngày 1/8, thông tin từ UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), hiện nay có khoảng 400 phương tiện tàu cá, cùng các phương tiện cung ứng, hậu cần thường xuyên hoạt động tại khu vực vùng nước ven bờ vịnh Hạ Long, đặc biệt là khu vực cầu Bài Thơ 1, vùng nước phía trước chợ Hạ Long I, Vincom Plaza...
Đáng chú ý, trong đó có nhiều gia đình ngư dân sinh sống, sinh hoạt ngay trên tàu thuyền, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến khách du lịch khi tham quan qua khu vực.
Một phần nguyên nhân xuất phát từ các phương tiện lấy lý do tránh trú bão, dông lốc tại các khu vực ven bờ để sinh sống và neo đậu không đúng nơi quy định tại khu vực. Các phương tiện tập trung tại đây đều là các tàu, thuyền vỏ gỗ cỡ nhỏ, chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt dẫn đến ô nhiễm môi trường, rác thải, chất thải rắn trôi nổi ven bờ. Dù Ban Quản lý các dịch vụ công ích TP.Hạ Long vẫn duy trì thu gom rác thải, tuy nhiên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tình trạng các tàu đánh bắt thủy, hải sản ở các địa phương khác lợi dụng việc neo đậu, tránh trú bão để biến vùng vịnh Hạ Long thành ngư trường đánh bắt thủy, hải sản trái phép gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái biển.
Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Nguyễn Tuấn Minh, từ ngày 1/8, TP.Hạ Long yêu cầu không neo đậu phương tiện thủy nội địa tại khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long là nơi tiếp giáp luồng đường thủy nội địa Bài Thơ – Đầu Mối thuộc các phường Bạch Đằng, Hà Tu, Hồng Hà, Hồng Hải, Hồng Gai, Yết Kiêu (trừ trường hợp khẩn cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản như sự cố, tránh trú bão...). Việc này nhằm lập lại trật tự, làm sạch môi trường khu vực ven bờ vịnh Hạ Long.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, các chủ phương tiện trên cần di chuyển ra vị trí được phép neo đậu. Những tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản cùng các phương tiện cung ứng hậu cần sẽ di chuyển ra khỏi khu vực bến cá tạm phường Cao Xanh, bến Cái Xà Cong, phường Hà Phong.
Các phương tiện, tổ chức cá nhân không chấp hành sẽ xử lý theo quy định.