Theo đó, Phạm Minh Ngọc cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, cô và gia đình đã có 4 ngày nghỉ tại thôn Đông Nam, xã Đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh. Điều thú vị là, gia đình cô lưu trú tại nhà một người có thâm niên đi săn sá sùng. Và cô đã có trải nghiệm một ngày đáng nhớ với những người dân nơi đây.
Phạm Minh Ngọc chia sẻ: "Tôi may mắn đã có một trải nghiệm quý báu đó là theo chân má Hạnh đi săn sá sùng để thấy hết cái thú vị và sự nhọc nhằn của nghề này.
1h30 sáng, tôi được gọi dậy, vệ sinh cá nhân, còn má Hạnh thì chuẩn bị đồ nghề là một chiếc rổ con, một chiếc thuổng lưỡi dài, bằng và sắc bén được thiết kế riêng để thuận tiện cho công việc đào sâu xuống cát.
Trong cái mát lạnh, sương giăng nhẹ của đêm tối, tôi bước thấp, bước cao theo chân má Hạnh ra đến bãi đào sá sùng. 2h sáng hành trình săn sá sùng của má Hạnh và tôi bắt đầu. Vì trời vẫn còn tối đen, nên tôi một tay cầm giỏ, một tay soi đèn cho má Hạnh tìm tổ và đào.
Má Hạnh thì cắm cúi đào từ tổ này đến tổ kia, đến hàng trăm tổ với hơn 1 tiếng đồng hồ mà chưa thấy con sá sùng nào. Tôi thầm nghĩ, không khéo hôm nay sẽ không bắt được con sá sùng nào chứ đừng nói mong đủ được một bữa ăn. Thế nhưng, may mắn đã đến với tôi và má Hạnh sau đó, con sá sùng đầu tiên đã xuất hiện trong giỏ tôi cầm. Tôi vui mừng khôn xiết, còn má Hạnh thì tỏ ra bình thản, bởi chuyện tìm kiếm khó khăn như vậy là chuyện bình thường diễn ra hàng ngày".
Nếu như tôi không được trực tiếp theo chân má Hạnh, vác thuổng đi đào từng con sá sùng thì chắc hẳn tôi sẽ vẫn nghĩ, mọi người cứ tâng bốc sá sùng là loài quý hiếm và bổ dưỡng để tăng giá trị bán ra thị trường. Nhưng không, khi đã trải nghiệm tôi mới cảm nhận để đào được một con sá sùng tươi sống thì người đi đào phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.
Sá sùng là loài ưa mát, nên thuỷ triều vừa xuống là phải đi đào ngay, để lâu trời nắng khiến mặt đất nóng lên sá sùng sẽ chui sâu xuống bùn và rất khó để tìm thấy. Vì thế người đào sá sùng sẽ phải dậy từ 1h sáng. Người đi đào sá sùng phải dò dẫm trên cát, mắt phải đăm đăm nhìn xuống theo ánh đèn đeo trên trán, khi thấy tổ thì phải dùng thuổng đào thật nhanh và dứt khoát để sá sùng không chui sâu xuống đất.
Kể từ khi đào được con sá sùng đầu tiên, tôi và má Hạnh mải miết đào mà không để ý đến việc là mình đã đi khá xa bờ, lúc này mặt trời lên cũng là lúc thuỷ triều dâng cao và quay lại bờ thì có những đoạn nước đã dâng qua ngực, có đôi chỗ như bước hụt chân, ngập bủm đến vai. Tôi hơi hoảng hốt nhưng má Hạnh trấn an, cứ bình tĩnh lội từ từ vào bờ.
Nếu thật sự không có sức khoẻ và sự khéo léo thì không dễ gì làm nghề này được, bởi không chỉ mệt về thể lực mà còn rất nguy hiểm nếu chẳng may không về kịp khi thuỷ triều dâng lên cao.
Kết thúc một ngày đào sá sùng, tôi và má Hạnh có được 1kg sá sùng tươi rói trong rổ nhưng cũng là lúc mặt trời đã lên cao, nắng chói chang và bỏng rát.
Má Hạnh cho tôi hay, 1kg sá sùng tươi bán được từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/1kg còn sá sùng khô sẽ từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/1kg".
Là người đam mê du lịch, nữ du khách Phạm Minh Ngọc trăn trở, nếu trải nghiệm săn sá sùng được kết hợp đưa vào tour ở đảo Quan Lạn, thì đây sẽ là một hành trình thú vị để du khách có thể hiểu thêm nghề này, đồng thời biết thêm đời sống dân sinh của người dân nơi đây. Đặc biệt, nếu dậy sớm, du khách còn được cảm nhận nét đẹp khác của bãi biển, được hít đầy lồng ngực không khí trong lành, mát mẻ của biển cả nơi đây.
Sá sùng được coi là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (chứa nhiều glutamat), hương vị thơm ngon. Đây loại hải sản một thời từng gắn với thứ cốt ninh không thể thiếu ở các hàng phở, hoặc làm cho các bát bún thang trở nên có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Đây cũng là thứ "vàng ròng" mà biển bao dung ban tặng cho người dân của đảo Quan Lạn, Quảng Ninh.