Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn", TP.HCM đã đạt được một số thành quả nhất định.
Theo đó, giai đoạn 2010-2015, TP.HCM đào tạo được 14.556 người, trong đó lao động nữ là 5.391 người. Số người học nghề thuộc đối tượng 1 (người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất, người khuyết tật) là 1.352 người; đối tượng 2 là 556 người; đối tượng 3 là 12.648 người. Tổng số lao động nông thôn có việc làm trên toàn TP trong giai đoạn này là 12.985 người, đạt tỷ lệ 89%.
Được biết giai đoạn 2010-2015, TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 21.000 lao động nông thôn, nhưng không đạt chỉ tiêu. Sở NNPTNT TP.HCM nhận định nguyên nhân do nhu cầu thực tế giảm. Ngoài ra, một phần do công tác điều tra khảo sát nhu cầu của cả giai đoạn chưa sát thực tế.
Đối với giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đào tạo được 16.544 người. Trong đó, lao động nữ là 6.374 người. Số người học nghề thuộc đối tượng 1 là 953 người; đối tượng 2 là 863 người, đối tượng 3 là 14.728 người. Tổng số người có việc làm là 14.130 người đạt tỷ lệ 85,4%.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước đó, giai đoạn 2016-2020, Sở NNPTNT TP đã làm tốt công tác dự báo nhu cầu sát với thực tế người học. Người học nghề nông nghiệp trong giai đoạn này chủ yếu đang làm việc trong ngành nông nghiệp, có nhu cầu học nghề để tiếp tục công việc hiện tại.
Giai đoạn này TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo 16.000 lao động nông thôn. Kết quả đào tạo được 16.544 người, đạt 103,4% so với mục tiêu.
Theo nhận định của Sở NNPTNT TP, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong những năm qua đã được sự tăng cường đôn đốc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành TP, các tổ chức chính trị xã hội. Do đó, kết quả đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn TP đạt được những thành quả nhất định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh những hạn chế, trong đó điển hình như: cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; công tác vận động người lao động tham gia học nghề kết quả chưa đạt theo yêu cầu.
Nhiều mô hình đào tạo nghề chưa gắn với việc giải quyết việc làm. Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh, dẫn đến việc phát triển nông nghiệp bị hạn chế, thiếu bền vững.
Trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, TP.HCM tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo nhu cầu của các quận, huyện. Trong đó, chú trọng chất lượng đào tạo nhân lực các cấp trình độ, như cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp khác; tập trung chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong các ngành nông nghiệp công nghệ cao.
TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90% trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 90% trở lên. Đến năm 2025, thu nhập của cư dân nông thôn tăng gấp 1,5 lần năm 2020.