Việt Nam là một trong những thị trường ô tô có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á thời gian gần đây. Điều này luôn được thể hiện qua doanh số tiêu thụ ô tô tăng lên qua các năm và đỉnh điểm là năm 2022 với hơn 500.000 xe các loại được bán ra.
Điều đó thôi thúc các hãng xe buộc phải nhìn Việt Nam với "con mắt" khác xưa, nơi mà chủ yếu người dân đi quen với việc di chuyển bằng xe máy.
Chuyên gia ô tô cũng từng nhận định, nhiều người dân Việt Nam giờ đã dần coi ô tô là phương tiện di chuyển cần thiết thay vì giữ quan niệm đó là tài sản sản giá trị cao.
Thực tế cho thấy, xu hướng chuyển dịch từ ô tô sang xe máy trong những năm gần đây diễn ra mạnh mẽ và toàn diện. Từ thành phố về nông thôn, những con đường đã không chỉ đơn thuần là xe máy như trước mà lượng ô tô ngày một đông.
Không chỉ mua xe phục vụ gia đình, mà nhiều người kết hợp kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, thời điểm khoảng 5-7 năm trước, khi các hãng xe công nghệ như Grab, Gojeck, Be... còn mới gia nhập thị trường, cần tuyển lượng xe lớn. Nhiều người sẵn sàng cầm cố tài sản nhà cửa để mua ô tô chạy dịch vụ với mơ ước đổi đời hay người có sẵn xe sẽ có phương án kiếm thêm hiệu quả.
"Tôi là một trong những người chạy xe Grab đầu tiên vào năm 2015 khi nhiều người còn chưa biết đến loại xe này. Thu nhập ngày đó ổn, lượng khách nhiều, tài xế ít nên làm không hết việc. Chính vì thế, ngày càng nhiều bỏ taxi truyền thống để đổi sang chạy xe công nghệ. Tuy nhiên, giờ hầu như nhà nào cũng có ô tô cá nhân nên lượng khách giảm nhiều", tài xế Phạm Văn Huy, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ mà ngách nhỏ là ô tô điện cũng đang rầm rộ trở thành xu hướng.
Tiên phong cho xu hướng xe điện là xe hạng sang với những cái tên như Audi, Mercedes-Benz... Tuy nhiên, hãng xe làm thay đổi hoàn toàn thị trường xe điện Việt Nam không ai khác ngoài VinFast với việc bán xe điện bình dân đầu tiên VF e34 vào năm 2021.
Sau đó, VinFast cũng mở bán các sản phẩm tiếp theo như VF8, VF9, VF5 hay tới đây là VF3, VF6, VF7... Thậm chí, VinFast VF8 còn xuất khẩu sang Mỹ, Canada, tới đây sẽ là Đức và nhiều thị trường khác.
Nhận thấy thị trường xe điện Việt Nam tiềm năng, các hãng xe khác cũng nhảy vào cuộc đua thị phần, đặc biệt là những thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Wuling đã ra mắt Hongguang MiniEV và trở thành xe điện đô thị đầu tiên bán, mở ra phân khúc mới với hy vọng thay đổi thói quen dùng xe của người Việt Nam.
Chery xác nhận sẽ bán xe điện ở Việt Nam vào năm 2024, trước đó sẽ phân phối 1 số mẫu xe xăng và xây dựng nhà máy. Hãng xe Trung Quốc này sẽ có lần trở lại Việt Nam sau khi thất bại hơn 10 năm về trước.
Một hãng xe thuần điện khác có thị phần lớn nhất Trung Quốc là BYD cũng xác nhận sẽ tham gia cạnh tranh ở Việt Nam trong thời gian tới. Các sản phẩm của BYD hiện đã bán ở Thái Lan và mục tiêu tiếp theo là "bành trướng" Việt Nam.
Ngoài ra, một doanh nghiệp Việt Nam là Thái Hưng sẽ hợp tác với Roding Mobility phát triển xe điện (MiniEV) nội đô thị tương tự Wuling Hongguang MiniEV và VinFast VF3 theo tiêu chuẩn L7e của châu Âu. Sản lượng dự kiến trong 3 năm đầu là 6.000 xe.
Việc nhiều hãng xe điện tham gia thị trường Việt Nam đã cho thấy đâu là mảnh đất màu mỡ đang được khai thác triệt để.
Chính phủ Việt Nam hiện nay đang ưu tiên cho phát triển xe điện bằng việc hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho những xe chạy hoàn toàn bằng pin. Đây là lợi thế lớn để các hãng xe kỳ vọng phát triển những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar), để một chiếc xe điện đến tay khách hàng phải có nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần bảo bán là bán, bán là thành công.
"Một chiếc xe điện muốn bán đến tay người dùng, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua thì yếu tố tiên quyết ảnh hưởng là cơ sở hạ tầng. Ngoài Showroom, vấn đề trạm sạc mới là cốt lõi để người dùng mua xe điện, quyết định thay đổi thói quen người dùng", ông Hải nói.
Ô tô là phương tiện di chuyển với nhiều mục đích, trong đó đi xa là một nhu cầu cần thiết mà muốn đi xa được với xe điện thì hệ thống trạm sạc nhanh là không thể thiếu.
Vị chuyên gia này nhận xét thẳng thắn, ô tô điện Trung Quốc sở dĩ họ mạnh là bởi nhà nước họ hỗ trợ nhiều để phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại là câu chuyện khác khi các hãng xe điện vào đều sẽ phải tự xây dựng trạm sạc, cơ sở hạ tầng.
"Ô tô điện Trung Quốc vào Việt Nam khó có thể tạo thành làn sóng như xe máy trước đây. Ở Trung Quốc, họ được hỗ trợ nhiều, nhưng ở nước ta, không có trạm sạc mấy ai dám mua xe điện làm phương tiện di chuyển chính. VinFast bỏ ra hàng trăm triệu USD để xây dựng trạm sạc, các hãng khác chưa thể sạc chung nên ở Việt Nam, khó có hãng xe điện nào cạnh tranh được", ông Hải Kar chỉ thẳng điểm thua thiệt của các hãng xe điện sắp vào Việt Nam cạnh tranh VinFast.
Đồng thời, những thương hiệu Trung Quốc khi bán xe không thể định giá xe điện của họ quá thấp, đó cũng là điểm bất lợi khi cạnh tranh với VinFast.
Không chỉ những hãng xe mới đến từ Trung Quốc mà ngay cả Hyundai, KIA... bán xe điện ở Việt Nam cũng chưa xây dựng trạm sạc. Do đó, sản phẩm còn hạn chế, doanh số thấp và chưa thay đổi được thói quen chuyển từ xe xăng sang điện của người Việt như VinFast đang làm.