Ngày 4/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định đình nã đối với Nguyễn Thị Thu Phương (SN 27/2/1975, tại Hà Nội), nguyên Trưởng bộ phận thư ký tài chính, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Căn cứ Lệnh tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 1/8/2023, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình nã đối với Nguyễn Thị Thu Phương.
Trước đó, Nguyễn Thị Thu Phương bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Do bỏ trốn khỏi nơi cú trú, Nguyễn Thị Thu Phương đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã.
Cuối năm 2022, TAND TP.Hà Nội đã xét xử vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan.
Theo cáo trạng, Công ty AIC chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.
Để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổng trị giá 665 tỷ đồng, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo từ tỉnh ủy đến sở, ngành.
Cùng với đó, bà Nhàn còn thành lập ban thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương làm trưởng ban. Ban này có chức năng thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của cựu chủ tịch AIC.
Mọi việc thu chi đều được ghi chép vào sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không được hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC.
Kết quả điều tra cho thấy ban thư ký tài chính do bà Nhàn lập ra và trực tiếp chỉ đạo chính là điểm xuất phát của dòng tiền được lãnh đạo AIC mang đi hối lộ quan chức Đồng Nai. Nguồn tiền ban này có được là từ việc nâng khống giá thiết bị do các công ty sân sau chuyển về.
Từ năm 2011 - 2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh - nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành.
Mỗi lần nhận được chỉ đạo, Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp mang đi "bôi trơn", chi "ngoại giao" cho các cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.
Với các cách thức trên, tại Đồng Nai, bà Nhàn đã hối lộ hơn 43 tỷ đồng cho bí thư, chủ tịch, giám đốc Sở Y tế và "biếu quà" 1 tỷ đồng cho giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư. Kết quả điều tra xác định toàn bộ số tiền này đều có nguồn gốc từ ban thư ký tài chính AIC.
Qua xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Hoàng Thị Phương Anh có năm tài khoản tại ba ngân hàng. Từ năm 2011 - 2020, tổng số tiền các nhân viên ban thư ký tài chính đã chuyển vào ba tài khoản của Phương Anh là 464 tỷ đồng.
Hai tài khoản tại hai ngân hàng khác của Phương Anh được chuyển vào 31,5 tỷ đồng. Tổng số tiền các nhân viên của ban đã chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê tài khoản tại các ngân hàng, trích xuất dữ liệu còn lưu trong USB cá nhân của nhân viên ban thư ký tài chính thể hiện số tiền bà Nhàn đã hối lộ ba cựu quan chức Đồng Nai.
Hồi tháng 1/2023, TAND TP.Hà Nội đã công bố bản án đối với 36 bị cáo trong đại án AIC gian lận đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng cho Nhà nước. Trong số này, có 7 bị cáo bỏ trốn và được tòa coi là "tự từ bỏ quyền bào chữa".
Các bị cáo này sau đó bị tuyên án dù vắng mặt. Cụ thể, tòa tuyên án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng tù và Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) bị phạt 5 năm tù và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) 4 năm tù.