Cứ đi, ắt có đường!
Phạm Thiên Ân gần như tay trắng đến với điện ảnh. Anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư tin học, đến với phim ảnh hoàn toàn vì “đam mê”. Trải qua rất nhiều khóa học chủ yếu qua mạng, Thiên Ân có những phim ngắn đầu tiên của mình. “Bên trong vỏ kén vàng” là phim điện ảnh đầu tay của anh được làm theo nguyên tắc liều: kiểu cứ đi, ắt có đường!
Phim kể về hành trình của Thiện - một thanh niên đang trên đường đưa thi thể của người chị dâu bị tai nạn về quê để chôn cất, đồng thời chăm sóc cho đứa cháu 5 tuổi sống sót trong vụ tai nạn ấy. Kế đến, Thiện phải tiếp tục lên rừng đi tìm anh trai ruột của mình, vốn đã mất tích nhiều năm nay. Trong chuyến đi này, Thiện phải đối diện với quá khứ để tìm kiếm đức tin và lẽ sống.
“Một trong những phát hiện đẹp nhất của Cannes”
Ngay sau khi giải Camera Vàng 2023 có chủ, nhật báo Libération (Pháp) nhận định: "Bên trong vỏ kén vàng" như một bản trường ca đáng chiêm nghiệm về nông thôn Việt Nam. Bộ phim đầu tiên của Phạm Thiên Ân là UFO bay lơ lửng, giành lấy chiếc camera vàng”.
Nhận xét về đạo diễn Phạm Thiên Ân, tạp chí Les Inrockuptibles của Pháp cho rằng "việc xuất hiện một nhà làm phim trẻ tại sân chơi chuyên nghiệp và uy tín như Liên hoan phim Cannes chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, đạo diễn của "Bên trong vỏ kén vàng" mới 34 tuổi, đã nổi lên như hiện tượng, là một trong những phát hiện đẹp nhất của Liên hoan phim Cannes, vốn luôn là sân chơi của những nhà làm phim gạo cội cả về tuổi đời, lẫn tuổi nghề”.
Trong khi trang thông tin Daily Screen thì cho rằng: "Đinh Duy Hùng đã tạo ra những cảnh đẹp của Việt Nam như khu rừng tĩnh mịch vào ban đêm, thác nước chảy xiết, cây cối đung đưa trước gió hay hình ảnh những chiếc kén vàng. Các góc máy hợp lý và nhịp nhàng, tập trung vào các chi tiết mấu chốt. Phạm Thiên Ân biết rõ anh cần ghi lại những gì để truyền tải câu chuyện đến khán giả".
Một cú liều của Ân và đồng đội là các anh bắt đầu khởi quay “Bên trong vỏ kén vàng” khi kinh phí mới xin được chừng hơn 20%. Trong khi, theo cách thông thường nhất, một phim độc lập phải xin được 80-90% ngân quỹ thì người ta mới tiến hành sản xuất. Ân kể, lúc ấy, không hiểu sao anh tin chắc rằng, mình cứ làm, ắt sẽ được. Giải pháp vị đạo diễn 34 tuổi này đưa ra để giải quyết tình thế là: cứ đi mượn tiền trước để quay, rồi đi xin các quỹ quốc tế để trả lại sau.
“Tôi nghĩ dù xuất phát điểm ở đâu, chỉ cần bạn vững tin và quyết tâm với dự án của mình là được”, Ân giải thích về quyết định mạo hiểm này. Có lẽ lòng tin của Ân đủ mạnh, và quyết tâm của anh đủ cao, cuối cùng “vũ trụ cũng đáp lời” và ê kíp có đủ tiền để xoay xở.
Một sự hiếm lạ của phim Ân, đó là anh quay phim thuận theo tự nhiên chứ không lạm dụng các kỹ xảo hiện đại. "Để tạo ra được cái không khí của bộ phim thì tôi phải chờ đợi thời điểm hợp lý như sương mù, mưa gió. Những cái đó nếu mình tạo ra thì cũng được, nhưng nó sẽ không được thật, trong khi tôi cần mọi thứ phải thực sự tự nhiên. Chính vì sự chờ đợi này mà bộ phim phải kéo dài, quay trong khoảng hai năm, là điều rất khó khăn trong quá trình làm phim”, anh kể.
Vừa khớp, đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến bộ phim đầu tay này được ban giám khảo của Cannes đánh giá cao: “những cảnh quay trong phim rất ấn tượng và đẹp một cách tự nhiên, không sắp đặt”.
Phạm Thiên Ân sinh năm 1989. Anh từng giành giải Nhì cuộc thi Làm phim ngắn “48 giờ” vào năm 2014. Năm 2018, phim ngắn “Câm lặng” (The Mute) của anh ra mắt tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Palm Spring và được chọn tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Năm 2019, Phạm Thiên Ân đến Cannes lần đầu tiên với phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (Stay Awake, Be Ready).
“Bên trong vỏ kén vàng” được trao giải thưởng Camera Vàng (Camera D'or) tại LHP Cannes 2023 - giải thưởng dành cho bộ phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất.
Sau đấy, khi được hỏi về những dự án phim tiếp theo, Phạm Thiên Ân khẳng định anh sẽ chỉ làm phim về Việt Nam, và rằng “Việt Nam rất quan trọng đối với tôi, là điều không thể thiếu trong các sáng tác của tôi. Hiện tại, tôi mới chỉ làm phim về những gì mình thấy quen thuộc, mình đã trải qua. Tôi muốn khám phá và tiếp cận Việt Nam sâu hơn nữa ở những nơi mình chưa tới để tìm cảm hứng cho bộ phim tiếp theo”.
Con đường mà Ân xác quyết, khiến tôi nhớ đến câu chuyện trong phim “Tick Tick Boom” của đạo diễn Lin-Manuel Miranda về nhạc sĩ lừng danh Jonathan Larson (người từng được 3 giải Tony và 1 giải Pulitzer). Phim kể về thời kỳ Larson chưa hề nổi tiếng, còn đang vật lộn mưu sinh với công việc bồi bàn, dồn cả tâm huyết và đánh cược tương lai vào một vở nhạc kịch. Thế nhưng, sau khi giới thiệu vở nhạc kịch ấy, mặc dù toàn bộ giới tinh hoa của sân khấu Broadway đều vỗ tay, song không có nhà sản xuất nào chịu bỏ tiền đầu tư cho Larson. Tuyệt vọng, Larson hỏi một đàn chị giàu kinh nghiệm: tôi phải làm gì tiếp theo? Người này khuyên: Viết viết viết nữa. Cậu sẽ cứ thế ném biết bao nhiêu kịch bản vào tường và hy vọng rằng cuối cùng sẽ có một kịch bản được người ta chấp nhận. Và nhớ: hãy viết về cái gì mà cậu biết rõ!
Trong trường hợp của Ân, có lẽ anh cũng biết rõ “tiếng gọi thiêng liêng” bên trong mình. Hầu hết các nhân vật đều được anh xây dựng dựa trên các trải nghiệm cá nhân. Anh nói tiếng Việt trong lễ nhận giải Cannes. Căn tính Việt với anh, vừa là máu thịt, vừa là cảm hứng.
Bên trong vỏ kén của Ân
Phạm Thiên Ân không phải là người giỏi giao tiếp. Phải phát biểu vài lời trong khi nhận giải Camera Vàng, Ân run và cảm ơn suốt: từ bạn bè, cộng sự, vợ con cho đến diễn viên, khán giả... Chính Ân có lẽ không biết, giây phút anh hồi hộp, e dè, nói năng có chút lộn xộn trên sân khấu lại khiến cho khán giả chú ý đến phim của anh hơn. Họ tò mò muốn biết, một đạo diễn “còn nguyên bản” như vậy sẽ có thể đem đến những mới lạ gì cho điện ảnh?
Phạm Thiên Ân sinh ra và lớn lên trong một xóm đạo ở vùng cao nguyên Lâm Đồng, nơi mà phần lớn người dân vẫn duy trì thói quen đi lễ một ngày hai lần, sáng sớm lúc 4 giờ và tối muộn sau khi đã hết ngày làm việc. Cũng ở nơi đây, Ân có hai người bạn nối khố là Đinh Duy Hưng và Trần Văn Thi, những đồng đội sau này lần lượt đảm nhiệm vị trí quay phim và nhà sản xuất, cùng Ân làm nên một “vỏ kén vàng” rực rỡ ở Cannes.
Bốn năm trước, Ân cùng vợ sang Mỹ định cư, gia đình khuyên anh học lấy một số nghề để ổn định kế sinh nhai, như cắt tóc hay làm móng. Nhưng điện ảnh đã chọn Ân, dẫn dụ anh đi theo tiếng gọi của niềm khao khát thẳm sâu, giống như lời một ca khúc của Larson: “Lồng giam hay đôi cánh/ Bạn muốn thứ nào hơn/ Hãy hỏi những chú chim trời/ Nỗi sợ hay tình yêu bạn ơi/ Đừng cho tôi biết câu trả lời/ Hành động thì giá trị hơn”!
“Vỏ kén vàng giống như vỏ bọc của con người trong xã hội, là những thứ lôi kéo họ vào một vòng tròn bất tận, cuộc chạy đua với tiền bạc, danh vọng. Con nhộng bên trong giống như linh hồn của một người. Hành trình của Thiện không chỉ là di chuyển về mặt địa lý, mà còn đi qua các miền suy tư về những giá trị cốt lõi trong đời người.
Trong bộ phim này, linh hồn của nhân vật chính đã bị bỏ quên. Anh ta phải vật lộn, đấu tranh để tìm được chính mình, để chuyển hóa con người, thoát khỏi vỏ bọc - định kiến của xã hội để trở thành con người mới. Nó đều xoay quanh câu hỏi chúng ta sống vì điều gì, đâu là mục đích sống,” Ân diễn giải về bộ phim dài 3 tiếng của mình.
Làm phim xong, dù gửi tham dự Cannes nhưng Ân nói anh chưa từng dám mơ phim của mình sẽ đoạt giải. Không ai nghi ngờ gì về sự “thiếu chuẩn bị để chiến thắng” của Ân. Cho nên, mới có phần phát biểu liên tục ngắt quãng của anh. Nhưng mà có hề gì, với rất nhiều đạo diễn điện ảnh độc lập, trong tâm trí họ hôm ấy, có lẽ chỉ còn đọng lại câu nói xúc động của Ân: "Chúng ta đã đi hành trình rất dài tại đây và điện ảnh là đức tin gắn kết chúng ta lại. Giải thưởng này là dành cho tất cả mọi người".