Dân Việt

Trận đấu pháo giữa Liên Xô và Phát xít Đức tại Leningrad diễn ra “khủng khiếp” như thế nào?

TK 06/08/2023 23:30 GMT+7
Không giống như những gì đã xảy ra trong lịch sử, hàng trăm khẩu pháo có uy lực lớn và đặc biệt, hàng ngàn tấn kim loại được sản xuất cho một loạt bắn của mỗi phía. Do đó, trận chiến Leningrad năm 1941-1944 có thể được coi là trận đấu pháo lớn nhất trong lịch sử.

Chiến dịch bất tử bảo vệ Leningrad

Phát động cuộc tấn công xâm lược Liên Xô, giới lãnh đạo chính trị – quân sự Đức xác định Leningrad là một trong những mục tiêu hàng đầu phải thôn tính. Trận chiến bảo vệ Leningrad là trận dài nhất trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (từ tháng 7/1941 đến tháng 8/1944). Bao vây thành phố mang tên vị Lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười, cùng với quân đội Đức và Phần Lan bao gồm 32 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn tăng, 3 sư đoàn cơ giới, 1 lữ đoàn kỵ binh và một lữ đoàn bộ binh, còn có sư đoàn quân tình nguyện số 250 (Sư đoàn Xanh) Tây Ban Nha và một số đơn vị Hải quân Italia hoạt động trên hồ Ladoga.

Trận đấu pháo giữa Liên Xô và Phát xít Đức tại Leningrad diễn ra “khủng khiếp” như thế nào? - Ảnh 1.

Khi bắt đầu trận chiến, các đơn vị Hồng quân Liên Xô tại Mặt trận Phương Bắc (gồm 8 sư đoàn của Tập đoàn quân số 7 và 23) và Mặt trận Tây-Bắc (gồm 31 sư đoàn và 2 lữ đoàn của Tập đoàn quân số 8, 11 và 27) và Hạm đội Baltic, có 540.000 người, 5.000 pháo và súng cối, khoảng 700 xe tăng (trong đó có 646 chiếc hạng nhẹ), 235 máy bay chiến đấu và 19 tàu chiến lớp chính.

Phía đối phương có 810.000 quân, 5.300 pháo và súng cối, 440 xe tăng, 1.200 máy bay chiến đấu. Nhóm quân “Bắc” khi bắt đầu cuộc tấn công vào Leningrad có ưu thế hơn quân Mặt trận Tây-Bắc của Hồng quân về bộ binh – 2,4; pháo – 4; súng cối – 5,8; xe tăng – 1,2; máy bay – 9,8 lần.

Khi mùa đông đến, việc vận tải trên hồ Ladoga bị ngừng trệ và nguồn cung thực phẩm giảm mạnh. Khẩu phần theo thẻ tại Leningrad bị bao vây giảm xuống còn 125gr bánh mì mỗi ngày. Có những ngày không có nhiên liệu và điện để nướng bánh mì, mọi người không được nhận bánh mì; hệ thống cấp nước đóng băng, nước sinh hoạt phải lấy từ sông Neva.

Trong hơn 900 ngày bị bao vây, hơn 800.000 chiến sĩ và cư dân Leningrad đã chết vì đạn, pháo và bom, vì đói, lạnh và bệnh tật. Nhưng kẻ thù, đói và lạnh đã không khuất phục người Leningrad và các chiến sĩ Hồng quân; nhiều doanh nghiệp thành phố vẫn làm việc, chế tạo và sửa chữa thiết bị quân sự, vũ khí, đạn dược cho mặt trận.

Trong suốt cuộc phong tỏa, tại Leningrad, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay, hơn 7.000 pháo chiến trường và pháo hạm, 12.000 súng cối, 225.000 súng máy và súng trường và khoảng 10 triệu đạn pháo và mìn đã được sửa chữa và sản xuất. Vào cuối năm 1941, “Con đường của sự sống” nổi tiếng đã được thiết lập trên băng của hồ Ladoga, nối Leningrad với đất liền. Khi băng trở nên rắn chắc, những đoàn xe tải chở thức ăn, nhiên liệu, vũ khí và thiết bị trải dài chi viện cho Leningrad. Hồng quân đã kiên cường phòng thủ, góp phần vào chiến thắng trên các mặt trận khác.

Chiến dịch bảo vệ Leningrad trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân và các lực lượng vũ trang Xô viết. Hơn 350.000 binh sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh Mặt trận Leningrad đã được trao tặng huân và huy chương, 226 người trong số họ được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô, 1,5 triệu người được trao huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Leningrad” và ngày 8/5/1965, Leningrad đã được trao tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Với các sử gia và chuyên gia quân sự, Leningrad còn nổi tiếng bởi là nơi diễn ra trận đấu pháo lớn nhất trong lịch sử chiến tranh.

Trận đấu pháo lớn nhất trong lịch sử chiến tranh

Trong thực tế, không có danh sách chính thức các trận đọ pháo và cũng không có chứng nhận cuộc đấu pháo trong chiến dịch bảo vệ Leningrad đứng đầu danh sách như vậy, tuy nhiên, theo một số nhà sử học, ví dụ Alexander Shirokorad – một chuyên gia lớn người Nga trong lĩnh vực này, trong cuốn «Блокадная дуэль» (tạm dịch là “Đấu phong tỏa”), nhận định, trận chiến pháo lớn nhất trong lịch sử đã diễn ra gần Leningrad. Trong cuộc đấu pháo đó, vai trò của pháo mặt đất Liên Xô vô cùng nhỏ; Hồng quân có rất ít pháo có uy lực lớn và đặc biệt, và không có pháo hiện đại.

Mặc dù vào năm 1943, Quân đoàn Pháo Phản đòn số 3 (3-й Kонтрбатарейный Aртиллерийский Kорпус) được thành lập tại Mặt trận Leningrad mà lực lượng tấn công chủ yếu của nó là Lữ đoàn Pháo binh Đường sắt của Hạm đội Baltic và pháo mặt đất, chỉ có 6-9 khẩu cỡ 152mm với tầm bắn 25km. Số còn lại là 90 đại bác cỡ 152mm mẫu năm 1937, và 32 khẩu cỡ 122mm mẫu năm 1931/37. Số lượng pháo của Hải quân lớn hơn nhiều, chưa kể đến cỡ nòng. Thực tế là một phần đáng kể các khẩu pháo của pháo đài Kronstadt đã không tham gia chiến đấu chống lại quân đội Đức do vị trí địa lý của nó.

Pháo của Hạm đội Baltic gần Leningrad gồm nhiều thành phần. Đầu tiên là pháo tàu, bao gồm tàu chiến Marat và tàu Cách mạng Tháng Mười, tàu tuần dương Kirov, Maxim Gorky và chiếc Petropavlovsk đang đóng. Về số lượng, gồm 12 pháo cỡ 305mm, 9 pháo cỡ 180mm, 4 pháo 203mm, 41 pháo cỡ 130mm và 24-40 pháo cỡ 100-130mm. Trong quá trình chiến đấu, các con tàu đã bị tổn thương, được sửa chữa lại, một phần đã được chuyển đến hồ Ladoga. Từ các thiết giáp hạm, một số pháo 120mm được chuyển cho mặt trận trên đất liền.

Lực lượng tấn công chính của pháo binh ven biển là của Pháo đài Krasnaya Gorka, trong đó có 8 pháo cỡ 305mm, 3 pháo cỡ 152mm, 4 pháo 130mm và 3 pháo 120mm. Ngoài ra còn có pháo đài Ngựa Xám, nhưng các khẩu pháo của pháo đài này gồm 4 pháo 203mm, 3 pháo 152mm và 4 pháo 120mm (sau này được thay thế bằng 130mm) chỉ có thể bắn vào quân Đức tại căn cứ Oranienbaum ở biên giới phía tây nam. Tại Oranienbaum có các khẩu đội gần Bolshoi Izhora và Kalische với pháo 152mm và 100mm. Ngoài ra còn có pháo đài ở Vịnh Phần Lan và trên đảo Kotlin, với lực lượng pháo binh ven biển rất mạnh.

Tuy nhiên, pháo đài nằm ở phía bắc Kronstadt không thể bắn vào bờ biển phía nam, nơi có quân Đức, và pháo đài phía nam chỉ được trang bị pháo phòng không. Ở phía đông bắc Leningrad, tại Rzhevka, có Trường bắn Khoa học-Thử nghiệm Pháo binh – từ đó, số pháo có thể bắn quân Đức gồm 1 khẩu 406mm, 1 khẩu 356mm, 2 khẩu 305mm, 5 khẩu 180mm, 2 khẩu 152mm và 4 khẩu 130mm. Pháo binh đường sắt là phương tiện chính của lực lượng phản đòn đã đóng một vai trò đặc biệt.

Vì những khẩu pháo này ít sợ bị mòn hơn và được sử dụng tích cực hơn. Tất cả các cỗ pháo đường sắt đã được kết hợp thành lữ đoàn pháo binh đường sắt số 101 (sau này là Lữ đoàn Cận vệ số 1). Lực lượng tấn công chính của lữ đoàn là 3 khẩu pháo cỡ 356mm và 10 khẩu cỡ 180mm. Trong thời gian phong tỏa, đã được bổ sung 36 khẩu 130mm, 4 khẩu 152mm, 4 khẩu 120mm và 2 khẩu 100mm được chế tạo tại các nhà máy của Leningrad. Cần phải nhắc thêm là Hạm đội Baltic có các đoàn tàu bọc thép “Baltiet” và “Vì Tổ Quốc”, được trang bị pháo 120-130mm.

Theo dữ liệu của Yu. Perechnev trong cuốn “Pháo binh bờ biển Xô viết”, trong chiến dịch chống phong tỏa năm 1943, 88 khẩu pháo cỡ nòng trên 100mm, bao gồm 1 khẩu 406mm, 1 khẩu 356mm và 9 khẩu 180mm. Một năm sau, trong chiến dịch “Sấm tháng 1” («Январский гром»), 213 khẩu pháo như vậy đã tham gia chiến dịch Leningrad, bao gồm 1 khẩu 406mm, 4 khẩu 356mm, 28 khẩu 305mm, 2 khẩu 254mm, 3 khẩu 203mm và 33 khẩu 180mm – đó là một lực lượng rất mạnh.

Nhưng phía đối phương cũng có lực lượng pháo binh đáng gờm. Ban đầu, nhóm quân Phương Bắc của Đức không có các đơn vị pháo binh. Khi Leningrad bị bao vây và vấn đề đặt ra là làm thế nào để buộc Leningrad đầu hàng, chỉ huy Đức Quốc xã bắt đầu thành lập một nhóm pháo binh mạnh.

Ngay trong tháng 9/1941, ba sư đoàn biên chế pháo 150mm và 210mm của Đức và 240mm của Séc đã được điều động, sau đó, hai sư đoàn với pháo 150mm và 240mm của Đức được bổ sung. Mùa đông năm 1942, hai tổ hợp pháo đường sắt đã được triển khai gần Leningrad gồm pháo 280mm của Đức và pháo 520mm của Pháp. Các khẩu pháo hỏng được thay thế bằng bốn pháo 400mm của Pháp.

Mùa thu năm 1942, nhóm quân Phương Bắc được biên chế pháo mạnh nhất trong Thế chiến II – pháo 800mm “Dora” và hai khẩu cối tự hành 600mm, chưa kể pháo đường sắt và cố định 340mm, 280mm, 240mm của Pháp và Đức. Không thể đưa ra con số chính xác về thành phần của nhóm pháo binh Đức gần Leningrad vì nó liên tục thay đổi. Có thể nói rằng kể từ mùa thu năm 1942, có khoảng một trăm khẩu pháo có uy lực mạnh và đặc biệt; khoảng một nửa là súng cối 210mm của Đức, số còn lại là pháo có uy lực lớn hơn.

Gần Leningrad, ngoài số pháo đã được đề cập ở trên, có pháo Pháp 340mm, 240mm, 194mm và 155mm; pháo đường sắt Đức 280mm, pháo mặt đất Đức 240mm, 210mm, 170mm và 150mm; súng cối của Đức 420mm, 355mm; pháo Séc 240mm và 210mm, súng cối Séc 420mm, 304mm, đại bác Séc 240mm.

Kể từ mùa hè năm 1943, pháo bị loại biên được thay thế bằng súng cối 220mm của Pháp. Pháo và súng cối đã được rút khỏi mặt trận liên tục, nhưng không phải vì tổn thất do chiến đấu, mà do thiếu đạn dược và mòn nòng, chủ yếu liên quan đến số pháo Pháp từ Thế chiến I. Vào cuối năm 1943, hầu hết các khẩu pháo của Pháp đã rời khỏi mặt trận.

Việc thay pháo diễn ra chưa có tiền lệ, quy mô thay thế chưa bao giờ xảy ra không chỉ tại mặt trận Xô-Đức, mà còn trong tất cả các chiến dịch khác của cả Thế chiến II và Thế chiến I. Không giống như những gì đã xảy ra trong lịch sử, hàng trăm khẩu pháo có uy lực lớn và đặc biệt, hàng ngàn tấn kim loại được sản xuất cho một loạt bắn của mỗi phía. Do đó, trận chiến Leningrad năm 1941-1944 có thể được coi là trận đấu pháo lớn nhất trong lịch sử.