Truy tận gốc những cây "sâm Ngọc Linh" giá rẻ ở bên kia biên giới
Lên biên giới phía Bắc, tìm nguồn bán sâm giá rẻ
Trong các đầu mối rao bán sâm Ngọc Linh giá rẻ, phần lớn "sống chết" khẳng định với chúng tôi hàng của mình là thật, đúng là sâm Ngọc Linh nhưng "có loại này, loại kia".
Trong vai thương lái tìm mối buôn sâm giá rẻ, từ Hà Nội chúng tôi lên Lai Châu – một vùng trồng sâm khác của Việt Nam để tìm hiểu thực hư. Nhưng ngay cả ở địa phương này, nếu không tinh ý, người mua cũng chưa chắc đã mua được sâm Lai Châu chính gốc, chứ đừng nói đến sâm Ngọc Linh.
Tại TP. Lai Châu, chúng tôi bắt gặp những biển hiệu bán sâm. Một trong những cửa hàng sâm lớn nhất Lai Châu trưng bày đủ các sản phẩm từ sâm, trong đó có cả bình rượu được niêm yết giá 2 tỷ đồng.
"Nếu khách mua sâm của tươi thì phải vào tận vườn, còn cửa hàng của em chỉ bán các sản phẩm sâm đã qua sơ chế", nhân viên cửa hàng khuyên chúng tôi. Đến với các chủ vườn trồng sâm, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời họ đang tập trung nhân giống, chưa bán số lượng lớn. Câu hỏi đặt ra là sâm được một số thương lái giao bán cả tạ từ đâu ra?
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã bắt quen được một mối hàng chuyên đưa sâm từ Trung Quốc về Việt Nam tên là T. Để chứng minh mình có thể cung cấp được lượng sâm vài tạ mỗi lần từ Trung Quốc về, T đã gọi điện bằng wechat với một đối tác phía Trung Quốc và cho chúng tôi xem hình ảnh.
Trong wechat hiện hình ảnh một người nói tiếng Trung Quốc, đang đóng rất nhiều loại cây giống sâm gồm cả lá, thân, củ. Theo T, chuyến hàng đó đang chuẩn bị được giao về Việt Nam.
Sau khi tìm được người phiên dịch dẫn đường, tháng 4/2023 chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) sang Thị trấn Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) để tìm đến nguồn gốc của loại sâm chỉ vài triệu đồng một kg.
Thương nhân buôn sâm người Trung Quốc đầu tiên chúng tôi gặp ở Thị trấn Kim Bình là Xi Wen (48 tuổi). Nhóm PV được đưa đến khu vực núi - nơi người dân Vân Nam có khá nhiều khu vực trồng sâm – để gặp Xi Wen.
Ngay từ lời giới thiệu ban đầu của Xi Wen đã khiến chúng tôi bất ngờ: "Ở Kim Bình người dân gọi loại củ này là tam thất, còn Việt Nam thì gọi là sâm. Ở đây không có doanh nghiệp thu mua, chế biến thành các sản phẩm khác mà các hộ đều bán cho thương lái thu mua để xuất sang Việt Nam".
Cụ thể hơn, theo Xi Wen, tại Kim Bình hay các thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng không có nhiều cửa hàng nào bán các sản phẩm sâm này. Người Trung Quốc ở các thành phố lớn, hay ở Bắc Kinh chỉ sử dụng sâm Hàn Quốc hoặc sâm chất lượng cao của Trung Quốc, còn loại cây này chỉ chủ yếu có ở Vân Nam. Người địa phương trồng và gọi là tam thất, ngoài dùng để ngâm rượu, hầm gà thì chủ yếu bán sang Việt Nam.
Xi Wen là người buôn sâm và các loại thuốc bảo vệ thực vật dành cho sâm, anh ta không có vườn trồng. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn thăm một vườn trồng sâm, Xi Wen đồng ý dẫn đến nhà một người họ hàng.
Sau hàng loạt khúc cua tay áo, Xi Wen lái xe ô tô đưa chúng tôi lên đỉnh núi, ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, không khí mát mẻ dễ chịu. Wen dừng xe ở nhà văn hóa thôn, mở cốp lấy 4 thùng thuốc bảo vệ thực vật in chữ Trung Quốc, rồi đưa chúng tôi vào vườn sâm.
Ngoài thu mua sâm thì Xi Wen còn kiêm cả cung cấp các loại thuốc bảo vệ thực vật và giới thiệu những "kỹ sư" tới bắt bệnh cho các vườn sâm. Nhờ vậy, Xi Wen cũng là người có quan hệ khá thân thiết với các chủ vườn sâm, nên không khó để Xi Wen đưa chúng tôi vào thăm vườn trồng của các hộ dân.
Chứng kiến những vườn sâm rộng hàng chục ha với mật độ trồng dày đặc, chúng tôi dần tìm được câu trả lời cho các sản phẩm sâm giá rẻ đang bán tràn lan ở Việt Nam nhưng gắn mác sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu.
Đường đi vào vườn sâm phải qua 3 lần cửa, mỗi cửa có một con chó to, hung dữ được xích để canh. Chủ vườn sâm rộng khoảng 10ha là Hiểu Tâm, một người họ hàng của Xi Wen.
Đập vào mắt chúng tôi là khu vườn sâm trồng theo luống, xanh mơn mởn như rau xanh. Phía trên quây lưới để hạn chế ánh sáng mặt trời trực tiếp. Khác với các vườn sâm Ngọc Linh của Việt Nam được trồng dưới tán rừng đặc dụng, thân cây gỗ 3 – 4 người ôm, cây sâm trong vườn của Hiểu Tâm trồng dưới các cây gỗ có tán nhỏ, ánh nắng mặt trời vẫn chiếu xuống phía dưới.
"Bí quyết của chúng tôi dù là cây sâm vẫn cần có dinh dưỡng, phải có ánh nắng để quang hợp. Nhờ vậy mà cây sâm rất khoẻ, ít sâu bệnh", Hiểu Tâm - ông chủ của vườn sâm này cười toét miệng nói với chúng tôi thông qua người phiên dịch.
PGS.TS Phan Kế Long – Phó Tổng giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho hay: "Nhận thấy người Trung Quốc thu mua cây sâm Lai Châu vào những năm 2008 – 2009, dẫn tới nguy cơ có thể tuyệt chủng loài sâm này nên chúng tôi đã có một đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu để bảo tồn, nhân giống. Chúng tôi cũng từng có người mang củ sâm to bằng cả bàn tay, được giao bán 400 triệu đồng từ Kon Tum ra nhờ kiểm định, nhưng kết quả xác định ADN lại không phải sâm Ngọc Linh".
Vợ của Hiểu Tâm đưa chúng tôi đi xuống khu vực ươm cây, nằm ở phía thấp nhất của vườn.
Chúng tôi đã thực sự bị sốc khi bà chủ chia sẻ về giá cây sâm giống được bán tại vườn: "3 năm trước còn được giá chứ giờ giá hạt giống sâm trung bình khoảng 800 tệ/1kg (tương đương 2,6 triệu/1kg hạt giống-PV). Còn cây giống trồng một năm tuổi thì bán 3 tệ/1 cây (tương đương 10.000 đồng/1 cây giống-PV)".
Bà chủ vườn sâm ở Vân Nam cũng cho biết, giá bán loại 10 củ/1kg có mẫu mã đẹp cũng chỉ từ 250 đến hơn 500 tệ/1kg (tương đương 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng /1kg -PV).
Về cách chăm sóc sâm, ông chủ Hiểu Tâm cho biết, cây sâm được trồng như bao cây trồng khác, vẫn chăm bón và phun thuốc khi gặp sâu bệnh. Trồng 3 đến 4 năm là sâm đã đạt kích cỡ từ 8 đến 10 củ/1kg. Tức bằng trọng lượng sâm loại 1 trên núi Ngọc Linh của Việt Nam tuổi từ 7 đến 10 năm.
Tại Việt Nam, chỉ một hạt giống của sâm Ngọc Linh đã được định giá 120 nghìn đồng, còn đối với cây giống 1 năm tuổi là 300 nghìn đồng. Còn sâm thương phẩm, như đã đề cập trong bài trước, giá bán loại 10 củ/1kg đang được niêm yết là 360 triệu đồng/kg. Như vậy, giá sâm Ngọc Linh của Việt Nam cao hơn hàng trăm lần so với loại sâm trồng ở Thị trấn Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc).
Tiếp đà câu chuyện, ông chủ vườn sâm này vui vẻ khoe hiện tại đang quản lý 3 vườn sâm khác cho công ty với tổng diện tích lên tới hơn 50ha. Để không bõ công lặn lội, chúng tôi quyết định lên ô tô của chủ vườn đi khám phá những vườn sâm tiếp theo.
Khoảng cách chỉ 3km nhưng chúng tôi phải đi mất hơn nửa giờ đồng hồ. Đường lên đỉnh núi quanh co, toàn đá hộc với những khúc cua dựng đứng.
Dừng xe, ông chủ cầm chìa khóa xuống mở cánh cổng, phía trên cổng có tấm biển Công ty bằng tiếng Trung Quốc. Đứng tại đây, chúng tôi bắt được sóng điện thoại di động từ Việt Nam. Chỉ vào quả núi ở phía đối diện, Hiểu Tâm cho biết: "Đó là khu vực Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu – PV) của Việt Nam".
Thêm một lần nữa, chúng tôi tận thấy những vườn sâm xanh mơm mởn như vườn rau. Vườn sâm với khoảng 10 khu riêng biệt, mỗi khu rộng khoảng 5ha. Sâm được trồng theo từng luống, mỗi cây cắm một que tre để giữ không bị đổ. Cây trồng với mật độ dày nhưng cây nào cũng to khỏe, mập mạp.
Nếu chỉ nhìn hình dáng cây, củ sâm, những khách hàng tay ngang như chúng tôi khó có thể phân biệt cây sâm trồng như rau ở vườn của Hiểu Tâm với sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu của Việt Nam.
Theo Hiểu Tâm, vườn sâm này chỉ vài tháng nữa là thu hoạch để trồng lứa mới, với năng suất dự kiến 1,5 tấn/1ha. Như đã nói, ông chủ vườn cũng đã "khoe" một phần sâm được thu hoạch sẽ có thương lái sang mua đưa về Việt Nam.
Theo một chuyên gia về sâm, xét về hình dáng bên ngoài, hiện có tam thất hoang, sâm Lào, sâm Trung Quốc rất giống với sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu của Việt Nam. Đặc biệt, đối với sâm được trồng tại Vân Nam (Trung Quốc), ngoại hình rất giống với sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh. Cây thường có 5 đến 7 lá, chỉ khác là được canh tác khác nhau nên thân cây sâm Trung Quốc to và mập mạp, củ sâm to. Nhưng khi các tiểu thương nhập lậu được về Việt Nam, chỉ bán củ không kèm theo thân và lá rất khó phân biệt được với các loại sâm quý của Việt Nam.
Có thể thấy, từ những vườn sâm như của ông chủ Hiểu Tâm, các thương lái tìm cách đưa cây sâm thành phẩm, cây sâm giống về Việt Nam rồi "phù phép" thành sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu với mức giá rẻ bất ngờ.
Có hiện tượng nhập lậu để "đội lốt" sâm của Việt Nam
Đại tá Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Thực tế, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có hiện tượng một số đối tượng nhập một số hàng hoá không chính thức như củ, cây sâm về Việt Nam đội lốt sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh để bán trục lợi. Lực lượng chức năng công an tỉnh đã vào cuộc và bắt giữ một số vụ việc liên quan tới vấn đề này. Hiện sâm Lai Châu có giá trị kinh tế rất cao. Chính vì lý do này mà một số đối tượng đã nhập lậu sâm từ Trung Quốc về để bán với giá của sâm Lai Châu và sâm của địa phương khác để trục lợi.
Chúng tôi cho rằng, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người trồng sâm trong nước là rất quan trọng. Tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo rất quyết liệt bằng các giải pháp như cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sâm.
Hiện ở Lai Châu có vùng được đánh giá có khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng trồng sâm rất thuận lợi. Thậm chí, có cả các tổ chức khoa học, doanh nghiệp phía Hàn Quốc đã tới Lai Châu hỗ trợ chuyển giao công nghệ…Với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, chúng tôi rất quyết liệt để đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng tránh phải sử dụng sâm giả, sâm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vào cuộc đấu tranh, xử lý triệt để vấn đề bán sâm rởm trên mạng xã hội, lợi dụng danh nghĩa sâm Lai Châu".
Sâm nhập lậu một cách tinh vi
Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: "Năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, lực lượng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cũng có phát hiện và bắt giữ một số vụ việc vận chuyển dược liệu nhập lậu ghi là sâm.
Các đối tượng khi vận chuyển nhập lậu mặt hàng này cũng rất tinh vi. Ngoài việc cho vào bao tải, quẳng qua hàng rào thép gai mà phía Trung Quốc đã triển khai ở dọc biên giới thì họ còn có những thủ đoạn tinh vi hơn như cho vào thùng xốp, thả trôi sông.
Chính vì thế, có những vụ việc lực lượng của Bộ đội biên phòng phát hiện cũng chỉ thu giữ được hàng chứ không bắt được đối tượng vận chuyển. Ngoài việc chỉ đạo các lực lượng của Bộ đội biên phòng làm tốt khâu kiểm soát nhập lậu các mặt hàng này ở khu vực biên giới, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu nói chung, trong đó có buôn lậu mặt hàng dược liệu, sâm".
Đón đọc Bài 3: Chiêu trò tẩy trắng sâm nhập lậu thành sâm Ngọc Linh giá rẻ