Đời Trần Thuận Tông (1388 - 1398) có người tên là Đoàn Phúc Lanh (ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) được giao chức huyện lệnh huyện Trường Tân, Phủ Tân An ( Tứ Kỳ, Hải Dương ). Vua lấy công điền làng Quảng Nạp (Thụy Trình ngày nay) ban cho thực ấp. Năm Canh Thìn (1.400 ), Hồ Quí Ly lấy ngôi vua Trần Thiếu Đế. Hoàng thất nhà Trần dấy binh định một phen giành lại vương triều.
Phò mã đô uý Vũ Uy và phò mã Phùng Thế Kỳ đưa tất cả con em, thân quyến và nhân mục về Tô Xuyên lập căn cứ chống nhà Hồ nhưng đại sự không thành. Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, Hưng nghĩa hầu Vũ Uy vào Lam Sơn giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, tướng quân Phùng Thế Kỳ và huyện lệnh Đoàn Phúc Lanh ở lại phủ nhà tiếp tục chống quân xâm lược nhà Minh.
Trong 20 năm anh dũng kiên cường đánh giặc (1407 - 1427), đất Thái Bình đã nhiều người đã trở thành danh tướng, danh thần, tên tuổi ghi trong sử sách như: Đinh Lan, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ, Vũ Uy, Bùi Quốc Hưng... Thế nhưng, có một chàng trai chưa ghi trong quốc sử nhưng được hậu thế đời đời kể chuyện như tấm gương trung liệt, nêu gương cho các thế hệ noi theo. Đó là con trai huyện lệnh Đoàn Phúc Lanh, tên là Đoàn Công Uẩn (Đoàn Uẩn) từ tuổi 18, 19 đã nuôi chí đánh giặc.
Trong sách: "Thái Thụy vùng ven biển" có chép: "Thủa giặc Minh xâm lược nước ta, người con trai họ Đoàn tên là Đoàn Công Uẩn mới ngoài 20 tuổi, căm thù giặc tàn sát dân lành, chàng cùng một số trai làng ban ngày ẩn trốn, ban đêm tìm mưu giết giặc. Một hôm chàng nghĩ ra kế khuyên dân làng lấy cói biển đập dập, đan thành bao bì để ban đêm chui vào đó nằm cho khỏi muỗi.
Giặc Minh thấy thế bắt dân làng đan thật nhiều bao cói nộp cho chúng để tránh muỗi. Khi các đồn giặc đã bắt đầu dùng bao cói, Đoàn Công Uẩn tổ chức một đội dân binh, ban đêm đột nhập vào đồn giặc, lấy dao đâm chết từng tên nằm trong bao, rồi bí mật rút ra. Bọn giặc bị chết nhiều hoảng sợ, chúng ra sức truy nã người con trai họ Đoàn.
Một đêm, sau khi giết được mấy chục tên giặc, chàng trai họ Đoàn bị chúng mai phục, bắt được. Giặc tra tấn thế nào chàng cũng không chịu cung khai, cuối cùng chúng đã giết chàng bằng cách lột xác chàng tại một con đường". Ngày nay, con đường đó vẫn còn dấu tích dân làng đặt tên "con đường Ngô Lột" (dân ta gọi giặc Minh xâm lược là quân Ngô).
Phần mộ táng của chàng trai họ Đoàn nằm ở ngay cạnh "con đường Ngô Lột" vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Năm 1992, dòng họ Đoàn ở Thụy Trình đã tổ chức trùng tu, tôn tạo ngôi mộ để bảo quản, thờ cúng lâu dài.
Tấm gương anh dũng của chàng trai họ Đoàn làng Quảng Nạp được vua Lê Cảnh Hưng tuyên dương bằng những chữ vàng có ghi trong sắc phong Cảnh Hưng năm thứ 18: "Mãnh tướng dũng liệt, phù tộ, triệu mưu, tả bộ, cương nghị, quả đoán, đốc bật hồng tục, khoan nhân, trợ thắng, thành công". Các vua triều sau đều "giao cho dân Quảng Nạp tổng, Quảng Nạp xã tòng tiền phụng sự Mãnh tướng quan Đoàn Uẩn". Biết ơn công lao to lớn, giúp dân diệt giặc cứu nước của tướng quân Đoàn Công Uẩn, dân làng đã tôn ông là Thần Hoàng thờ tại Đình Bắc (thôn Bắc, Thụy Trình).
Tưởng niệm quan huyện lệnh Đoàn Văn Lanh và Đoàn Mãnh tướng quân, ngay từ thời Lê, con cháu họ Đoàn đã xây dựng nhà thờ để cùng phối thờ liệt tổ, đến đời Thành Thái năm thứ 15 tiến hành trùng tu lại. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đường là nơi tập trung tuần phòng trị an của đội Tự vệ bí mật.
Hàng năm, cứ vào ngày giỗ Tổ mồng 1 tháng Chạp và ngày 11 tháng Giêng, cả họ lại quây quần họp mặt tại từ đường để báo công với tổ tiên và nhắc nhở, giáo dục con cháu cố gắng vươn lên học tập, lao động, sống xứng đáng với truyền thống của các bậc tiền nhân.
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, tổ tiên ta đã phải trải qua biết bao cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Với truyền thống "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" và trong mỗi cuộc kháng chiến ấy, ở đâu trên đất nước ta cũng có những người anh hùng chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì tự do và hạnh phúc của trăm họ. Mãnh tướng Đoàn Công Uẩn trong giai thoại trên là một minh chứng. Chính điều này đã làm nên truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay và trên thế giới không phải dân tộc nào cũng có.
Vâng, từ khi vũ trụ được sinh ra cho đến ngày nay, đã là cây thì phải có cội, nước có nguồn, con người ai cũng phải có quê hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em và những người thân thuộc. Nhưng điều đáng phải suy ngẫm từ giai thoại này là hậu thế hôm nay và mãi mãi mai sau sống như thế nào để không phải hổ danh với các bậc tiền nhân. Nếu ai không hiểu điều này chắc chắn sẽ không lớn nổi thành người và người đó chắc chắn không phải là con cháu Lạc Hồng.