Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Đà Nẵng) cho biết đã có lệnh bắt khẩn cấp Lê Ân, 29 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn, về hành vi giết người.
Theo cảnh sát, trưa 5/8, anh V. (tên nạn nhân đã được thay đổi), 28 tuổi, trú quận Liên Chiểu, cùng nhóm bạn đến một nhà hàng có dịch vụ karaoke trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê.
Là khách quen tại đây, anh V. đến quầy lễ tân nói chuyện với Ân đề nghị giảm giá tiền phòng. Ân khai không được đồng ý nên anh V. buông lời đe dọa, sau đó lấy xe ra về.
Lát sau, anh V. cùng một người quay lại quán, gọi Ân ra nói chuyện. Nam thanh niên đi cùng nạn nhân chém hai nhát dao vào tay trái của Ân. Bị tấn công, Ân chạy vào quán ẩn nấp.
Anh V. chở bạn về, rồi quay lại quán, vào phòng hát karaoke. Ân lấy một con dao ở quầy lễ tân đi theo lên cầu thang rồi đâm. Hai người giằng co, đuổi nhau ra vỉa hè trước quán. Tại đây, Ân đâm nhiều nhát vào lưng cho đến khi anh V. nằm bất động.
Nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Trong lúc này, Ân chạy lên một phòng karaoke trong quán, bỏ dao vào bồn rửa tay rồi chốt cửa. Công an sau đó đến hiện trường, thuyết phục ra trình diện.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của Lê Ân là hành vi giết người, tuy nhiên cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, động cơ gây án, làm rõ trạng thái cảm xúc và mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của nghi phạm để xác định mức độ kích động tinh thần để xem xét áp dụng pháp luật cho phù hợp.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, nạn nhân là người gây sự trước, sau đó nghi phạm mới sử dụng dao để tấn công và sát hại nạn nhân.
Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi của hai bên, mức độ kích động tinh thần của nghi phạm để xử lý về tội Giết người trạng thái tinh thần thần kinh động mạnh theo Điều 125 hay tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, hai tội danh này có điểm giống nhau là hành vi đều có thể dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng khác nhau về diễn biến hành vi của hai bên khiến tinh thần của đối tượng gây án bị kích động ở những mức độ khác nhau (kích động mạnh hoặc chỉ bị kích động) dẫn đến hậu quả án mạng xảy ra.
Nếu nghi phạm thực hiện hành vi giết người do tinh thần bị kích động mạnh từ hành vi trái pháp luật của nạn nhân. Hành vi của nạn nhân là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật khiến cho nghi phạm bực tức, dẫn đến mất kiểm soát nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trường hợp này, nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm phải đối mặt với hình phạt không quá 3 năm tù.
Tuy nhiên, để xác định tinh thần của nghi phạm gây án có bị "kích động mạnh" hay không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hành vi của nạn nhân, diễn biến tâm lý trạng thái cảm xúc của hai bên và các yếu tố về tâm lý khác. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ.
Còn trường hợp, kết quả điều tra cho thấy nạn nhân có lỗi nhưng chưa đến mức khiến tinh thần của nghi phạm bị kích động mạnh, vẫn bình tĩnh kiểm soát được hành vi của mình nhưng do bực tức mà đã sát hại nạn nhân thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự nhưng có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là nạn nhân có lỗi một phần.
"Trong trường hợp bị xử lý về tội giết người, hình phạt mà nghi phạm có thể đối mặt là nghiêm khắc hơn. Còn nếu xử lý về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hình phạt sẽ không quá 3 năm tù" – vị chuyên gia nêu quan điểm.