Dân Việt

Từ chối xác nhận nhập học, chờ xét tuyển bổ sung: Coi chừng “nước lên, thuyền lên”

Minh Châu 09/08/2023 08:23 GMT+7
Sau thời gian các trường công bố điểm chuẩn đợt 1 năm 2023, sẽ có những đợt xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo thí sinh một số điều nếu như tham gia xét tuyển bổ sung.

Theo quy định, các trường đại học, cao đẳng nếu tuyển chưa đủ chỉ tiêu trong đợt 1 sẽ thực hiện thêm các đợt xét tuyển bổ sung cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Từ ngày 7/9 đến tháng 12/2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.

Đối tượng tham gia xét tuyển bổ sung là những thí sinh không đỗ tất cả các nguyện vọng đã đăng ký trong đợt 1, nhưng cũng có những thí sinh đỗ nguyện vọng đã đăng ký nhưng không xác nhận nhập học.

Vì thời gian xét tuyển và quy định của mỗi trường là khác nhau, thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin, cần chủ động theo dõi fanpage, website của trường để không bỏ lỡ thông tin.

Từ chối xác nhận nhập học, chờ xét tuyển bổ sung: Coi chừng “nước lên, thuyền lên” - Ảnh 1.

Học viện Ngân hàng tư vấn cho thí sinh tại Ngày hội tuyển sinh 2023. Ảnh: HVNH

Vậy nếu đỗ nguyện vọng đăng ký trước đó, nhưng từ chối nhập học vì không thích ngành đã đỗ có nên xét tuyển bổ sung, chuyên gia tuyển sinh khuyến cáo điều gì?

Tại một buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra vào ngày 8/8, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM đã có những lưu ý với thí sinh về việc có nên từ chối xác nhận nhập học chờ xét tuyển bổ sung.

Ths Thạch cho biết, khi xét tuyển bổ sung, hầu như chỉ tiêu các trường đã đủ, có trường chỉ thiếu một ít chỉ tiêu, như vậy dễ dẫn đến tỉ lệ chọi cao và câu chuyện "nước lên, thuyền lên", điểm số đợt bổ sung cao hơn đợt đầu.

Về việc thí sinh nên nhập học những ngành gần (có liên quan) hay đợi xét tuyển bổ sung, Ths Thạch cho rằng, quyết định là của các thí sinh nhưng hãy xác định kỹ vì khi xét tuyển bổ sung nhiều rủi ro, bên cạnh đó, việc xác nhận nhập học trễ hơn các bạn cùng trang lứa đã nhập học đợt 1 sẽ dẫn đến việc không theo được nhịp trong năm học mới.

Theo TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân: "Sẽ có tình huống thí sinh băn khoăn giữa nhập học và không nhập học, tôi lưu ý các bạn mấy điểm như sau:

Thứ nhất, quy chế đào tạo cho sinh viên học cùng lúc hai chương trình. Ví dụ trúng tuyển Quản trị kinh doanh nhưng vào học năm 1 muốn học thêm ngành 2 ngành Luật thì có thể đăng ký học thêm.

Thứ hai, có cơ sở giáo dục đại học cho phép thí sinh chuyển ngành, với mức điểm trúng tuyển đầu vào tương đồng với nhau. Ví dụ trúng tuyển Khoa học máy tính thấy nhưng nếu học thấy quá khó, thí sinh có thể xin chuyển sang ngành khác, như An ninh mạng...

Thứ 3, thí sinh nhập học, học một ngành sau một năm được các thầy cô định hướng cần trang bị các kỹ năng gì để thích ứng nghề nghiệp, từ đó sẽ thay đổi bản thân".

TS Võ Thanh Hải khẳng định, thí sinh đã đăng ký một ngành và trúng tuyển nên xác nhận nhập học trong giai đoạn này. Tình huống xấu nhất là ngành lỡ đăng ký nguyện vọng N mình không thích thì tham gia đợt xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung, điểm trúng tuyển bổ sung luôn lớn hơn hoặc bằng lần đầu, chỉ tiêu đợt bổ sung thấp. Những em trúng tuyển đợt bổ sung thì tỉ lệ nhập học thấp do tấm lý "tấm vé vớt" dễ chán nản.

"Thầy nghĩ nên cân nhắc 3 phương án trên, các em đã trúng tuyển nên xác nhận nhập học, đừng đánh mất cơ hội của mình", ông Hải khuyên.