Công nghệ ngày càng phát triển, bất động sản là "món" có không ít kẻ gian lợi dụng nhằm mục đích lừa đảo.
Những nội dung email, tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội, cuộc hội thoại… bị lợi dụng, qua đó để kẻ gian lừa đảo và chiếm đoạt tài sản trên thị trường bất động sản. Theo nhiều người có kinh nghiệm trong giao dịch bất động sản, cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro lộ thông tin không gì khác ngoài việc tăng cường bảo mật, lưu giữ các nội dung kỹ lưỡng.
Vì vậy, trước khi mua nhà đất, người dân cần phải tìm hiểu kỹ kiểm tra ngôi nhà để đảm bảo mọi thứ đều an toàn và hoạt động trơn tru. Ngoài ra, vấn đề về mặt pháp lý luôn là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ giao dịch bất động sản nào. Hãy kiểm tra xem ngôi nhà có thuộc diện tranh chấp hoặc nằm trong khu vực có dự án nào sắp được quy hoạch hay không.
Ông Lê Đình Lăng - Giám đốc Công ty TNHH ĐT XD & PT Địa ốc Song Long khuyến cáo: "Khi mua bất động sản qua mạng, mọi người cần phải tìm hiểu kỹ việc ai bán, bán ở đâu, đất thế nào và kiểm tra các giấy tờ thật kỹ. Ngoài ra, nếu người môi giới muốn thu thập thông tin, hình ảnh giấy tờ tuỳ thân thì mọi người nên cẩn trọng để tránh bị lừa đảo".
Cũng theo ông Lăng, khi xử lý các khoản tiền lớn, người mua nên biết mình phải trả bao nhiêu và trả cho những ai. Điều này không chỉ giảm thiểu khả năng bị lừa đảo mà còn có thể giúp bạn tránh phải việc trả phí quá cao cho các dịch vụ.
Trao đổi về vấn đề pháp lý liên quan, luật sư Lê Thị Bích Hằng - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Việc mua bán nhà ở rất phức tạp, vì nhiều đối tượng có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mọi người để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Hoặc một số người xem nhà qua mạng xã hội, muốn mua rẻ, mua nhanh, nên dễ mắc lừa, mua phải những loại nhà đất có giấy tờ không hợp lệ, đất chồng ranh, đất tranh chấp… thậm chí là đất có giấy tờ giả được làm tinh vi.
"Không ít các trường hợp người bán móc nối với các nhân viên ngân hàng, công chứng viên để thực hiện các giấy tờ giả, nhằm qua mặt người mua. Điều này gây khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, thậm chí tiền mất không thể lấy lại được", luật sư Hằng cho hay.
Người mua nhà khi đã có quyết định mua bán căn hộ nên tham khảo dịch vụ định giá từ các nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp để có thể định giá đúng giá trị thực của ngôi nhà đang được rao bán trên mạng.
Tìm mua nhà đất, giao dịch trên mạng xã hội sao cho an toàn? Ông Lê Đình Lăng cho hay, người mua tốt nhất nên tìm đến các đơn vị môi giới có tên tuổi, uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép.
Hiện nay những người môi giới đều được học và đào tạo bài bản, được Sở Xây dựng các tỉnh thành cấp phép hành nghề. Những người này sẽ là một trong những kênh giúp ích. Người mua cần đến ngân hàng để tìm hiểu và lập hồ sơ tín dụng, từ đó có thể tìm ra những dịch vụ cho vay mua nhà phù hợp với điều kiện của bản thân.
"Mua nhà qua mạng là phương thức rất hữu ích đối với những người trẻ ngày nay. Do đó, bạn nên cân nhắc sao cho hình thức này không trở thành một cái bẫy trong việc đưa ra quyết định mua nhà của bạn", ông Lăng chia sẻ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số khuyến cáo người mua cần tỉnh táo khi tiếp cận các thông tin rao bán nhà đất trên mạng xã hội. Hiện nay, phần lớn thông tin rao bán nhà trên mạng xã hội đều là thông tin ảo, sai giá trị thực tế để thu hút người mua. Vì vậy, người dân nên truy cập vào các trang tin uy tín hoặc liên hệ với các công ty bất động sản, môi giới mà mình quen biết nhờ kiểm tra, tránh bị lừa mất tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết đã có nhiều trường hợp nạn nhân bị lừa đảo mua phải nhà, đất ảo. Sắp tới VARS sẽ mở trang thông tin nhằm giới thiệu các dự án nhà ở, đất ở, nêu rõ thông tin đơn vị nào là chủ đầu tư, phân phối dự án. Đồng thời, công khai danh sách các đơn vị, môi giới đủ điều kiện, có chứng chỉ hành nghề với đầy đủ danh tính cho các nhà đầu tư tìm hiểu.