Hơn 1 tuần trước, trận mưa lớn ở Hà Nội đã gây sạt lở tại một số điểm ở huyện Sóc Sơn. Đặc biệt, trên đường vào khu vực hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) hơn 10 ô tô hạng sang bị đất đá vùi lấp ngang thân. Lực lượng chức năng đã phải huy động máy móc đến san gạt bùn đất, cứu hộ các xe ô tô mắc kẹt, điều tiết giao thông.
Sau vụ sạt lở, nhiều bạn đọc nêu câu hỏi liên quan đến vấn đề quy hoạch, việc quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ đặc dụng. Đặc biệt, là việc xử lý đối với các công trình nhà ở, Homestay, lều lán xây dựng trái phép ở địa phương này, trong đó có một số công trình ở khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Trí và khu vực hồ Ban Tiện, xã Minh Phú.
Ngày 11/8, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội cho biết, Sóc Sơn có 4.445 hecta đất rừng phòng hộ đặc dụng, trong đó có hơn 2.000 hecta do huyện quản lý.
Xã Minh Trí, Minh Phú nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ đặc dụng. Tuy đến nay, sau khi thành phố Hà Nội giao cho các huyện rà soát, đặc biệt sau khi có kết luận của Thanh tra Chính Phủ, cơ quan chức năng phát hiện ra có quy hoạch trùng lên phần đất ở của một số người dân ở xã Minh Phú, Minh Trí.
"Về nội dung này, thành phố đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn phải rà soát các hộ dân có hồ sơ chứng minh là chủ đất trước năm 1993 và sẽ bóc tách ra nhằm tạo điều kiện cho người dân. Để làm được việc này, với điều kiện huyện phải rà soát cụ thể, chính xác, sau đó các cơ quan chuyên môn chuẩn bị hồ sơ, cùng với các sở ngành để đi đến thống nhất", ông Tuyên thông tin.
Theo báo của Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội, có 59 vụ vi phạm về tình hình san ủi đất lâm nghiệp và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn năm 2023. Trong đó, có 36 vụ vi phạm về xây dựng trên đất lâm nghiệp, 21 vụ vi phạm về san gạt đất lâm nghiệp trái phép, 2 vụ vi phạm về khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
"Đối với các công trình xây dựng trái phép, chúng tôi đều phối hợp với xã lập biên bản vi phạm, sau đó, xem xét vụ nào thuộc thẩm quyền của xã thì xã xử lý, vụ nào thuộc thẩm quyền của huyện đơn vị này sẽ xử lý", ông Tuyên nói và mong muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh việc cắm mốc giới tại khu vực rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn, xử lý nhanh các công trình vi phạm.
Theo ông Tuyên, hầu hết các vụ vi phạm xảy ra trên đất trống, không có hành vi chặt cậy, khai thác cây rừng do vậy Hạt Kiểm lâm số 4 (huyện Sóc Sơn) đã phối hợp với UBND các xã lập biên bản yêu cầu dùng ngay việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã xử lý theo thẩm quyền.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chi đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ vi phạm nêu trên.
Hiện nay theo ông Tuyên, tại khu vực hồ Đồng Đò và khu vực hồ Ban Tiện có một vài vướng mắc, đối với các trường hợp xã giao đất lâm nghiệp cho người dân, sau đó, họ tự bỏ vốn ra trồng cây thì được phép khai thác, chặt hạ. Còn đối với các hộ dân chặt hạ cây không phải do họ bỏ vốn ra trồng thì cơ quan chức năng mới có thể lập biên bản, xử lý.
Thêm nữa, sau khi quy hoạch năm 2008, cơ quan chức năng chưa kiểm đếm, kiểm tra các hộ dân tự bỏ tiền ra trồng rừng, do vậy, chưa xác định rõ ràng rừng này của người dân trồng hay rừng này do Nhà nước quản lý.
Theo quy định, Nhà nước giao đất cho các tổ chức cá nhân mượn đất để trồng rừng thì họ phải trồng rừng, không có nhu cầu phải trả lại cho Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có những giao dịch ngầm bất hợp pháp.
"Bởi vậy, họ không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp, chỉ được phép mua bán tài sản trên đất. Người bán nhầm, người mua cũng nhầm. Việc mua bán đất là sai, đó là lý do hàng loạt cán bộ xác nhận mua bán đất bị kỷ luật. Chỗ dẻo núi hồ Đồng Đò xây dựng trái phép rất nhiều, thành phố đã chỉ đạo huyện phải xử lý.
Ngoài ra, chúng tôi đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tiếp tục đề nghị thành phố chỉ đạo huyện Sóc Sơn rà soát để bàn giao diện tích đất còn lại, xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về trật tự xây dựng…", ông Tuyên chia sẻ.
Về sạt lở, lũ lụt xảy ra trong thời gian vừa qua, theo ông Tuyên, nguyên nhân có cả việc phá rừng, hoạt động xây dựng trên đất rừng…
"Cũng có nhiều trường hợp xây dựng trên đất rừng, chúng tôi vào kiểm tra họ phản ứng nói đây không phải là thẩm quyền của các ông, đây là tình trạng chung. Tuy nhiên, chúng tôi sau đó vẫn phối hợp với xã lập biên bản vì thấy hoạt động này xâm phạm đến đất lâm nghiệp. Sau đó, chúng tôi đề nghị địa phương xử lý theo quy định", người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chia sẻ.
Khu vực Hồ Ban tiện và Đồng Đò hiện nay chưa có quy hoạch, chưa có mốc giới, người dân ở đó cũng chưa được coi là chủ rừng vì phải được giao đất gắn với giao rừng và chủ rừng phải lập phương án quản lý rừng bền vững trong đó có kế hoạch sử dụng đất thì mới được các cấp phê duyệt.
"Tôi cho rằng bây giờ phải rà soát hiện trạng rừng, những diện tích phù hợp quy hoạch và được bóc tách thì các sở ngành phối hợp huyện cho bóc tách để phù hợp với quy định, còn lại những diện tích đã quy hoạch trong lâm nghiệp, không được bóc tách thì buộc phải cắm mốc ranh giới để thực hiện theo Luật Lâm nghiệp", ông Tuyên đề xuất giải pháp.
Trước đó, đầu tháng 7/2023, phóng viên Báo điện tử Dân Việt có mặt tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại khu vực đồi thông, nhiều homestay được xây dựng, đặc biệt tại khu vực ven hồ Đồng Đò, nhiều lều lán được dựng lên để cho người dân, du khách nghỉ ngơi, trải nghiệm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Văn Bảo – Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) cho hay, thôn Minh Tân là một trong 8 thôn của xã Minh Trí. Đến nay, thôn Minh Tân có diện tích khoảng 800 hecta, với 200 hộ dân.
Thời điểm năm 1985, thôn Minh Tân chưa có người ở, vì vậy, Hà Nội và huyện Sóc Sơn có chủ trương di dân ở một số xã khác đến thôn Minh Tân để xây dựng vùng kinh tế mới. Khi bà con nhân dân đến ở, khai hoang lập nghiệp đã phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng cây thông, cây keo.
"Và toàn bộ khu vực thôn Minh Tân hiện nay đều xây dựng trên diện tích rừng phòng hộ đặc dụng, kể cả nhà văn hóa, trường học, trạm bơm, đường và diện tích nhà dân đang ở...", ông Bảo thông tin.
Về việc xuất hiện các lều lán trên hồ Đồng Đò, ông Bảo cho biết, cuối tháng 6 đầu tháng 7/2023, xã Minh Trí đã xây dựng kế hoạch giải tỏa các lều lán, vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới giải tỏa được 14 hộ, với trên 200 lều lán.
Riêng năm 2023, phát sinh thêm 5 trường hợp xây nhà trên đất rừng phòng hộ, xã đã làm hồ sơ xử lý. Đến nay, địa phương đã tổ chức cưỡng chế, dỡ bỏ 1 trường hợp vi phạm, các trường hợp khác vẫn đang tiếp tục xử lý.