Trong buổi họp về kế hoạch triển khai đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) do Sở GTVT TP.HCM tổ chức ngày 11/8.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, nguyên tắc và trình tự thực hiện dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Để thực hiện, Sở GTVT TP.HCM đề xuất trình tự thực hiện gồm bảy bước. Trong đó, bước đầu tiên, xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Bước thứ hai, xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, nút giao đường vành đai 3 TP.HCM; rà soát quỹ đất, đồ quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch; đánh giá hiện trạng kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật liên quan.
Bước thứ ba, tổ chức điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu có). Bước thứ tư, đề xuất dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối (nếu có).
Bước thứ năm, tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hay báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố. Bước thứ sáu, tổ chức triển khai dự án đã được HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư ở bước thứ năm. Bước cuối cùng, tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Việc tổ chức thực hiện được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 triển khai thí điểm mô hình TOD tại các khu vực vùng phụ cận đầu mối giao thông tập trung (các nhà ga của tuyến metro số 1 và tại các nút giao thông thuộc đường vành đai 3 TP.HCM). Giai đoạn 2, triển khai thực hiện tại các đầu mối giao thông của các tuyến đường sắt gắn với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay, các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 và nút giao đường vành đai 3 TP.HCM đã được xác định và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Đồng thời, quỹ đất vùng phụ cận để khai thác, phát triển khu vực xung quanh các khu vực này đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện liên quan rà soát, thống kê. Do đó, có thể triển khai thực hiện ngay một số dự án, thí điểm theo trình tự bảy bước trên.
Tham gia buổi họp, các đơn vị đều đồng ý với quy trình 7 bước do Sở GTVT TP.HCM đề xuất. Tuy nhiên, các đơn vị tỏ ra nghi ngại về thời gian 3 tháng (tháng 10-12/2023) để điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại bước thứ ba. Bởi, việc này có nhiều quy trình, tốn thời gian nên khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.
Đồng thời, nhiều đại diện quận, huyện, cũng cho rằng nên linh động trong vấn đề quy hoạch của các khu đấu giá theo TOD, chỉ cần giao chỉ tiêu chung trong quy hoạch, để nhà đầu tư tự thực hiện chi tiết, miễn sao đảm bảo những yếu tố đã giao, như vậy sẽ có thể thu hút nhà đầu tư hơn.
Kết luận tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ bổ sung hoàn chỉnh một số nội dung trong tờ trình cho rõ hơn, đồng thời điều chỉnh lại thời gian quy hoạch cho phù hợp.