Thời gian qua ở nhiều địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hoá... lại xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện để đánh bắt giun trái phép, gây ảnh hưởng đến tài nguyên đất nông nghiệp, hủy hoại, làm bạc màu nhiều khu đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm nghiệp.
Thiết bị sử dụng để kích điện, đánh bắt giun nhập từ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có thể gây ra nguy hiểm cho người sử dụng.
Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người dân ngày ngày vẫn mang máy kích điện đi cày nát những thửa đất nông nghiệp để bắt giun gây ra tình trạng "lợi bất cập hại".
Dù tất cả các địa phương đều đã nhận được chỉ đạo của Bộ NN&PTNN phải ngăn chặn triệt để tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất.
Bởi vậy, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người dùng xung kích điện để đánh bắt giun tự phát có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Cường phân tích, theo khoản 25, Điều 3, Luật đất đai năm 2013 quy định, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Hay nói cách khác, hủy hoại đất là hành vi làm mất đi giá trị ban đầu của đất, khiến đất không còn đảm bảo chất lượng như trước nữa. Hành vi hủy hoại đất là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013.
Hành vi hủy hoạt đất mang đến những hậu quả tiêu cực cho đất đai, ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật và cây trồng.
Cụ thể như sau: Hủy hoại đất đai khiến cho đất đai mất đi giá trị ban đầu, giá trị về thổ nhưỡng cho sản xuất nông, lâm nghiệp không còn được đảm bảo; Hủy hoại đất đai khiến mục đích sử dụng của đất không còn được duy trì sử dụng theo trạng thái ban đầu.
Những khu đất rừng hoặc đất sản xuất nông nghiệp có thể không còn sử dụng để trồng trọt được nữa hoặc kém năng xuất, kém hiệu quả do bạc màu, phong hoá...; Hủy hoại đất đai khiến con người không khai thác được nguồn tài nguyên quý giá vốn có trong đất, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là với người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp…
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho biết, hủy hoại đất đai là hành vi vi phạm pháp luật, mang đến những hậu quả nặng nề cho công tác quản lý đất đai của nước ta.
Do đó, tùy tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất có thể bị phạt tiền từ 2 đến 150 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ngoài mức xử phạt nêu trên, người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành, Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định tại Luật đất đai nếu người vi phạm là chủ sử dụng đất.
Trong khi đó, đối với đơn vị bán kích điện cho người dân để bắt giun cũng có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn lậu, mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nhập khẩu trái phép hàng hóa qua biên giới... tuỳ thuộc từng hành vi cụ thể.
Ông Cường cho biết thên, các máy xung kích điện để bắt giun phần lớn có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nhập khẩu, bán các loại máy này có thực hiện thủ tục nhập khẩu, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật hay không.
Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, kinh doanh trái phép, tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc.