Tại Hội nghị, dưới sự chủ trì của đồng chí Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, gợi mở nhiều vấn đề mới, góp phần hoàn thiện các nội dung quan trọng của Hội nghị.
Đó là: Sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; Giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 14, nhiệm kỳ 2026-2031; Cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình Đại hội VIII; dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); dự thảo Đề án Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028; dự thảo Đề án Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và một số nội dung khác.
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII, đã có 158 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 7 ý kiến phát biểu tại Hội trường, tập trung vào một số vấn đề.
Cụ thể: Về dự thảo Báo cáo Chính trị: Đối với tiêu đề và chủ đề của Đại hội, hầu hết các ý kiến thống nhất với tiêu đề, chủ đề như dự thảo Báo cáo. Tuy nhiên còn có 48 lượt ý kiến đề nghị thêm, bớt, bổ sung cụm từ, câu chữ làm rõ thêm nội hàm tiêu đề, phù hợp với nghị quyết của Đảng, thể hiện được khát vọng của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam.
Về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, các ý kiến đã có sự đồng thuận trong nội dung, quan điểm và cách tiếp cận; đánh giá cao quá trình chuẩn bị và xây dựng dự thảo Báo cáo.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể, sâu kỹ hơn công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phòng chống dịch Covid 19; kết quả các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ làm nhà cho hội viên nông dân, giúp hội viên nông dân thoát nghèo; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; đánh giá và làm nổi bật hơn nữa về kết quả thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Về các chỉ tiêu cụ thể nhiệm kỳ VIII, có 86 lượt ý kiến phát biểu góp ý ở tất cả các chỉ tiêu. Các ý kiến đã cụ thể thêm, làm rõ hơn các chỉ tiêu Đại hội, đảm bảo tính tường minh của từng chỉ tiêu và thuận lợi trong đánh giá kết quả thực hiện sau này. Bên cạnh đó, có 26 lượt ý kiến đề nghị bổ sung thêm 7 chỉ tiêu mới.
Về nhiệm vụ, giải pháp, có nhiều ý kiến góp ý bổ sung nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp, hướng mạnh về cơ sở; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; xác định rõ hơn khâu đột phá trong nhiệm vụ và giải pháp.
Đối với dự thảo đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội, các đại biểu nhất trí cao giữ nguyên bố cục của Điều lệ Hội gồm Phần "Những vấn đề cơ bản về Hội Nông dân Việt Nam" và 8 chương, 26 điều. Về đối tượng và điều kiện trở thành hội viên (điều 3, chương II), cơ bản ý kiến nhất trí với khái niệm Hội viên Hội Nông dân Việt Nam như trong Tờ trình xin ý kiến bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội, gồm khái niệm Hội viên Hội Nông dân Việt Nam và Hội viên danh dự của Hội Nông dân Việt Nam.
Về Chi hội, Tổ hội (điều 13, điều 15 chương IV), được nhiều đại biểu quan tâm, phân tích, đặc biệt là quy định về sinh hoạt chi hội, tổ hội và Đại hội chi hội.
Về Ủy ban Kiểm tra của Hội (điều 18), hầu hết các ý kiến đều nhất trí với dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung: Ủy ban kiểm tra của Hội được thành lập từ Trung ương đến cấp huyện. Ở cấp cơ sở, Ban chấp hành, ban thường vụ Hội nông dân cơ sở phân công chủ tịch hoặc phó chủ tịch phụ trách công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị UBKT của Hội chỉ thành lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Đối với dự thảo Đề án Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028: Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Đề án Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Các đại biểu cũng đồng tình, nhất trí cao báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Hội nghị thống nhất thông qua Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 123-KL/HNDTW ngày 23/2/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa V) tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HND ngày 26/12/2005 về "Đẩy mạnh công tác Hội và phong trào nông dân ở vùng đồng bào có đạo".
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện đúng quy trình, quy định việc giới thiệu 2 nhân sự đề xuất Bộ Chính trị đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 14, nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm cao, sâu sắc, gợi mở nhiều vấn đề mới, góp phần hoàn thiện các nội dung quan trọng.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đề nghị các cấp Hội Nông dân tập trung triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước trên tinh thần hướng mạnh về cơ sở.
Thứ nhất: Các cấp Hội tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hội Nông dân Việt Nam đến với đông đảo hội viên nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; chủ động nêu cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền; thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng để kích đông, lôi kéo chia rẽ trong nội bộ nông dân, đồng bào dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Thứ 2: Những tháng cuối năm 2023 là cao điểm tổ chức Đại hội Hội nông dân cấp tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đề nghị Hội Nông dân các tỉnh tập trung chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Hội cấp tỉnh, trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác văn kiện và nhân sự của Đại hội.
"Văn kiện Đại hội phải bám sát Nghị quyết của cấp uỷ Đảng, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của Hội Nông dân Việt Nam; rất sát thực tế và có tính khả thi. Công tác nhân sự cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng để bầu vào BCH Hội Nông dân tỉnh" - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Thứ 3: Các cấp Hội tiếp tục đổi mới phương pháp tập hợp hội viên nông dân trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc tập trung củng cố, xây dựng chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bồi dưỡng, đào tạo các bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức Hội phải luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; cán bộ Hội luôn phải đúng vai, thuộc bài.
Thứ 4: Các cấp Hội tập trung nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân các cấp tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào; thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi duy trì, phát huy, phát triển mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ.
"Tổ chức Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nói.
Thứ 5: Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Đó là tư vấn và trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn; hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; chuyển đổi số trong nông nghiệp; tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực; về kết nối, hỗ trợ vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ kết nối, xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp góp phần xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Thứ 6: Tổ chức Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân; kịp thời, trực tiếp tham mưu, phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong đời sống và sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân. Tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư"; củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh.